Thanh Hóa:
Chịu trách nhiệm khi không xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em
(Dân trí) - Cùng với việc tăng cường phòng ngừa, các địa phương phải chịu trách nhiệm khi không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tới trẻ em…
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại Công văn số 2177 gửi các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường thực hiện các hoạt động phòng ngừa và xử lý hành vi xâm hại trẻ em.
Theo đó, đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện đảm bảo hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em...
Xây dựng kế hoạch hành động, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020 - 2025 nhằm từng bước hạn chế và đẩy lùi tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em; phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại để giúp các em sớm ổn định tâm lý, duy trì học tập và hòa nhập cộng đồng.
Cũng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em cho cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ em và trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em; tập trung thực hiện các hoạt động vận động xã hội xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp.
Đồng thời, tăng cường thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các đối tượng xâm hại trẻ em. Tiếp tục thông tin, phổ biến rộng rãi về đường dây nóng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ xử lý, giải quyết các vấn đề về trẻ em để người dân liên hệ khi có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ…
Theo nội dung Công văn, đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tích cực thông tin, tuyên truyền đến cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình tăng cường trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
Thường xuyên triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em và tập trung xử lý, giải quyết kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em ở địa phương; rà soát, kiện toàn tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em tại xã, phường, thị trấn và phân công cụ thể cán bộ làm đầu mối tiếp nhận thông tin, điều phối các hoạt động hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại.
Thực hiện kịp thời các hoạt động hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại xảy ra trên địa bàn; lập hồ sơ quản lý, theo dõi và xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại…
Đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc gây bạo lực, xâm hại trẻ em; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại trên địa bàn quản lý. Xử lý theo thẩm quyền đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em.