Chính sách hỗ trợ giảm nghèo qua công tác thanh tra

(Dân trí) - Giảm nghèo là một chính sách an sinh xã hội lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Do đó, công tác thanh tra chính sách xoá đói giảm nghèo đã được Bộ LĐ-TB&XH triển khai nghiêm túc, đồng bộ và có hiệu quả.

Chính sách hỗ trợ giảm nghèo qua công tác thanh tra - 1

Buổi kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Một số thành tựu đạt được

Ngày 24 tháng 6 năm 2014, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (Nghị quyết số 76). Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, mục tiêu giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Giai đoạn 2011 - 2015, công tác giảm nghèo đã đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 4,25% (năm 2015), tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước giảm 2%/ năm, về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ “giảm một nửa số người nghèo đói cùng cực trên toàn thế giới vào năm 2015”, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều và ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng chuẩn nghèo riêng của địa phương theo phương pháp tiếp cận đa chiều của quốc gia, bổ sung một số tiêu chí phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của địa phương và sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo.

Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm (2016-2019) giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước giảm từ 1 - 1,5%/năm. Trong 4 năm, có 58% số hộ nghèo đã thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%.

Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Về nguồn lực thực hiện và một số chính sách thúc đẩy hiệu quả công tác giảm nghèo: Tổng các nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 là 93.607,785 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách Trung ương 45,33%; vốn ngân sách địa phương 10,75%; vốn xã hội hóa 23,62%; vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp: 19,86%; vốn viện trợ Ireland 0,43%.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đồng thời hỗ trợ cho các hộ nghèo đủ thực lực để khi thoát nghèo không tái nghèo hoặc rơi xuống cận nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo: Chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi vay vốn tín dụng, điều chỉnh nâng mức cho vay đối với hộ nghèo từ 50 lên tối đa 100 triệu đồng, kéo dài thời hạn cho vay tối đa từ 5 năm lên 10 năm; Chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo.

Theo đó, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất, giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng, hộ chưa có đất sản xuất nếu có nhu cầu thì được chính quyền địa phương trực tiếp giao đất hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền từ ngân sách nhà nước và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất sản xuất;

Chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo: Đến đầu năm học 2018-2019 toàn quốc có 316 trường ở 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với 109.445 học sinh nội trú;

Chính sách hỗ trợ y tế: Ngoài 100% hộ nghèo được hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế (BHYT), đã bổ sung một số nhóm đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế;

Chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19: Chính sách đã bao phủ hầu hết các đối tượng người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong lưới an sinh xã hội, bao gồm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), người lao động thực hiện hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp…

Ghi nhận kết quả thực hiện

Năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và các địa phương trên toàn quốc triển khai thanh tra diện rộng việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Lâm Đồng, Gia Lai, Đồng Nai, Thanh Hóa).

Kết quả thanh tra cho thấy, công tác giảm nghèo đã được các địa phương xác định là nhiệm vụ chính trị của địa phương, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; đã ban hành hệ thống các văn bản nhằm thực hiện chính sách giảm nghèo; mục tiêu giảm nghèo được ghi nhận trong các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Qua đó đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giảm nghèo đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo.

Các địa phương được thanh tra đã tạo điều kiện thuận lợi cho với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn được kịp thời tiếp cận với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định, như: Chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, đất sản xuất, nước sạch, tiền điện, ưu đãi lãi suất tín dụng, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo về nguồn lực để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua thanh tra cũng đã phát hiện những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn như:

Hầu hết các địa phương được thanh tra chưa xây dựng kế hoạch và tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên theo quy định, dẫn đến trong năm có những hộ gia đình gặp khó khăn đột xuất, hoặc phát sinh nhân khẩu trong hộ nhưng do không điều tra, rà soát thường xuyên nên những hộ, nhân khẩu nêu trên không được kịp thời công nhận là hộ nghèo, hộ cận nghèo để tiếp cận các chính sách hỗ trợ giảm nghèo.

Ngược lại có những hộ có đủ điều kiện thoát nghèo, thoát cận nghèo, hoặc có nhân khẩu chuyển đi nơi khác nhưng cũng do không điều tra, rà soát thường xuyên nên không kịp thời công nhận các hộ, nhân khẩu nêu trên thoát nghèo, thoát cận nghèo dẫn đến các đối tượng này vẫn thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Đối với hoạt động điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo: Tại một số đơn vị cấp xã, khi tiến hành điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, còn có tình trạng cán bộ điều tra, rà soát còn nhầm hoặc không vô tư, khách quan khi chấm điểm, sửa chữa, tẩy xóa phiếu chấm điểm dẫn đến có những hộ đủ điều kiện là hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng không được công nhận, ngược lại, có những hộ không đủ điều kiện công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng lại được công nhận là hộ nghèo, hộ cận nghèo, điều này làm sai lệch kết quả điều tra, rà soát, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn.

Hầu hết các địa phương được thanh tra chưa tiến hành thanh tra chuyên đề về thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn, dẫn đến chưa kịp thời phát hiện những thiếu sót, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh.

Việc chi trả kinh phí hỗ trợ ở một số địa phương còn triển khai chậm, thậm chí chi trả chưa đầy đủ mức hỗ trợ theo quy định gây thiệt thòi đối với đối tượng thụ hưởng.

Có thể nhận định, ngoài những kết quả đã đạt được vẫn còn một số thiếu sót trong việc thực hiện chính sách rất ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần khắc phục những hạn chế đó để chính sách giảm nghèo đạt được mục tiêu đã đề ra.