Chiến lược chính sách mới để Việt Nam đi tiên phong về an sinh xã hội
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu 3 nội dung đột phá trong bước chuyển về chiến lược chính sách xã hội mới Trung ương Đảng đề ra, để mỗi người dân đều được tham gia và thụ hưởng chính sách.
Trao đổi với gần 700 cử tri đại diện cho công nhân, viên chức, người lao động tại Hải Phòng ngày 6/1, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tập trung vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội.
Bộ trưởng thông tin, cuối tháng 11 vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bàn và thông qua Nghị quyết 42 về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.
Quốc gia tiên phong về chính sách an sinh
Theo Bộ trưởng, Nghị quyết 42 đặt nền móng, mang tính chất bản lề rất quan trọng cho chiến lược phát triển chính sách xã hội từ nay đến 2045, đánh dấu bước chuyển mới sau 10 năm thực hiện chiến lược chính sách xã hội theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI.
Nghị quyết 42 nêu định hướng xây dựng chính sách xã hội trong tình hình mới với tư duy đổi mới, chuyển từ cách tiếp cận chính sách xã hội với mục tiêu "đảm bảo và ổn định" sang "ổn định và phát triển".
"Chính sách xã hội sẽ từng bước chuyển từ bảo đảm an sinh cho đối tượng khó khăn, yếu thế sang thực hiện phúc lợi xã hội để mở rộng đối tượng được thụ hưởng thành quả phát triển chung của xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mục tiêu đề ra là đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong về xây dựng chính sách an sinh xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững. Trong đó có 3 vấn đề đột phá được xác định, đều liên quan trực tiếp đến người lao động.
Trước hết là mục tiêu hình thành và phát triển nhanh thị trường lao động đúng nghĩa, phấn đấu xây dựng thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiện đại và hội nhập. "Đây là nền tảng để phát triển chính sách xã hội bền vững để mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển", Bộ trưởng nói.
Thứ hai là xây dựng sàn an sinh tối thiểu, trong đó đặc biệt quan tâm tới 3 vấn đề giáo dục, y tế và đời sống, làm sao để mọi người lao động lo được cuộc sống cho chính mình và gia đình.
Đột phá quan trọng thứ ba là vấn đề nhà ở xã hội. Bộ trưởng nêu mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam xóa được nhà tạm, nhà dột nát cho người yếu thế, người nghèo, tập trung trước hết ở 74 huyện nghèo nhất nước. Riêng năm 2024, cả nước phấn đấu hoàn thành được 130.000 nhà ở xã hội.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh thêm, cùng với cải cách thể chế, đầu tư phát triển hạ tầng, vấn đề nguồn nhân lực, trong đó nòng cốt là đào tạo nhân lực chất lượng cao chính là một khâu đột phá chiến lược Đảng, Nhà nước đề ra. Thời gian tới, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực sẽ được đặc biệt quan tâm.
"Trong năm 2024, ngành LĐ-TB&XH nhắm thực hiện mục tiêu phấn đấu đào tạo từ 50.000-100.000 lao động chất lượng cao cho những ngành nghề mới như chip bán dẫn, hydrogen, nhân lực làm tín chỉ carbon...", Bộ trưởng trình bày.
"Chúng ta sẽ chuyển dần từ đảm bảo mức sống tối thiểu và phạm vi hẹp, chủ yếu là đối tượng yếu thế sang đối tượng chính sách xã hội và tập trung vào vấn đề phúc lợi xã hội. Mục tiêu của nghị quyết để mọi người dân được thụ hưởng, được tham gia vào quá trình phát triển chính sách xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu
Nói thêm về tuổi nghỉ hưu sau đề cập của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về chính sách sáng tạo của Việt Nam, tăng dần tuổi nghỉ hưu để tránh gây xáo trộn xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH chính là cơ quan tham mưu để Trung ương ban hành Nghị quyết 28, sau đó thể chế hóa trong Bộ luật Lao động năm 2019. Đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng dần trong nhiều năm đã nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội khi đưa ra biểu quyết.
Lộ trình được xây dựng là mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ, 3 tháng đối với nam, tiến tới tuổi hưu của nam tiệm cận 62 tuổi (vào năm 2028), nữ 60 tuổi (năm 2035).
Dù vậy, luật vẫn đặt ra tuổi nghỉ hưu thấp hơn với một số nhóm đối tượng đặc thù, chủ yếu là người lao động trong những ngành nghề nặng nhọc, độc hại và đặc biệt nặng nhọc, độc hại.
"Cụ thể, có những trường hợp người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn 10 năm so với quy định chung", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Về đề xuất của một số cử tri về việc hạ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non, Bộ trưởng cũng cho hay, mới đây, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị xem xét bổ sung nghề giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học vào danh mục nghề/công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Nêu quan điểm, Bộ trưởng nhận định, vấn đề này cần được đánh giá một cách đầy đủ. Thực tế có những giáo viên mầm non, tính chất công việc thật sự nặng nhọc, nguy hiểm (như giáo viên cắm bản, ở vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn) nhưng không phải mọi giáo viên mầm non đều vậy.
"Trên thế giới chưa có quốc gia nào đưa giáo viên mần non vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Bộ Lao động sẽ nghiên cứu vấn đề này ở một thời điểm thích hợp", Bộ trưởng khẳng định.
Trao đổi thêm về một vấn đề thiết thực được cử tri hết sức quan tâm là mức lương tối thiểu vùng, Bộ trưởng LĐ-TB&XH báo tin vui, phương án tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 ở mức 6% đã được Bộ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Liên đoàn thương mại và công nghiệp (VCCI) thống nhất trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Việc tăng lương tối thiểu năm 2024, như vậy sẽ được thực hiện song song, cùng thời điểm với việc cải cách chính sách tiền lương ở khu vực công. Để 2 hoạt động này được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu 5 giải pháp.
Ông nhấn mạnh nguyên tắc, Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp nhưng Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo lương tối thiểu (mức sàn) để bảo vệ người lao động, bên vẫn được xem là yếu thế hơn.