Cháu bé 3 tuổi bị đóng đinh tử vong: Làm gì để chặn sớm thảm kịch bạo hành?

An Linh

(Dân trí) - Hai thảm kịch bạo hành vừa qua đã gây nên những cái chết thương tâm của trẻ em tại TPHCM và Hà Nội, làm rung động dư luận. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đủ chính sách nhưng thực thi kém hiệu quả.

Ngăn chặn sớm bạo hành trẻ em là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ tính mạng trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đây là vấn đề chưa bao giờ là dễ dàng.

Sự im lặng của xã hội, bệnh thành tích là "đất sống" cho bạo hành

Theo TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), nỗi sợ bị xã hội dị nghị ở ngay trong gia đình có bạo hành đang dung dưỡng cho tội ác.

"Các gia đình và cả nạn nhân rất ngại báo cáo về các vụ bạo hành. Họ sợ những vấn đề riêng tư của gia đình sẽ bị lộ ra bên ngoài. Người ta sợ thông tin riêng tư có thể là bị khai thác đưa lên mạng xã hội, kèm theo là những lời đàm tiếu, bình luận, thậm chí có thể là sự kỳ thị. Đặc biệt là những nạn nhân bị xâm hại tình dục, việc công khai thông tin có thể bị ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của họ. Do vậy hầu hết nạn nhân không dám đứng lên đòi công lý", TS Hồng phân tích.

Để giải quyết tình trạng này, bà Hồng cho rằng, trước hết cần phải thay đổi cách truyền thông, phải rất thận trọng. Trước khi những vụ việc đi đến kết luận rõ ràng của cơ quan chức năng, nạn nhân phải được giữ bí mật, từ hình ảnh đến thông tin, để những đàm tiếu hay sự tò mò đối với nạn nhân không xảy ra. Mặt khác, phải thay đổi nhận thức của xã hội, thay vì dị nghị, đàm tiếu nạn nhân, cần lên án kẻ bạo hành.

Cháu bé 3 tuổi bị đóng đinh tử vong: Làm gì để chặn sớm thảm kịch bạo hành? - 1

TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS).

Ngoài ra, việc ngăn chặn từ sớm bạo hành phải xuất phát từ cộng đồng, hàng xóm, gia đình, dòng họ. "Sự im lặng, không muốn phiền phức của mỗi chúng ta đã vô hình khiến cho những đứa trẻ không được hỗ trợ kịp thời, bị tổn thương nghiêm trọng thể xác, tinh thần thậm chí phải bỏ mạng. Sự im lặng trước các hành vi bạo hành trẻ em đã dung túng việc bạo hành, chấp nhận sống trong xã hội bạo hành", bà Hồng lập luận.

Theo TS Khuất Thu Hồng, một việc cần làm để ngăn chặn hành vi bạo hành là gạt bỏ bệnh thành tích của gia đình, của địa phương. Nhiều thôn, bản, xã, phường, gia đình, dòng họ đều có chuyện "giữ" tiếng, chạy đua thành tích gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa hay địa phương văn hóa.

Chính vì điều này, những hành vi bạo hành trẻ em, bạo hành gia đình được phát hiện, báo cáo đều rơi vào quên lãng, hướng tiếp cận này đã trở thành nơi dung dưỡng, "mảnh đất lành" cho bạo hành xảy ra.

Theo Viện trưởng ISDS, bạo hành trẻ em là vấn đề xã hội chứ không phải vấn đề của gia đình, vấn đề riêng tư "sau mỗi cánh cửa, bức tường".

"Chúng ta không thể tiếp tục im lặng nữa. Chúng ta phải mạnh mẽ hơn trong việc lên tiếng, quan tâm hơn với con trẻ. Bạo hành trẻ em là vấn đề của xã hội chứ không phải vấn đề riêng gia đình nào", TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Cần "kích hoạt" điều khoản tước quyền nuôi con khi bạo hành

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, Luật Trẻ em có hiệu lực từ tháng 6/2017 quy định việc tước đoạt quyền nuôi con nếu bố, mẹ phạm tội bạo hành.

Cụ thể, khi có sự cố bạo hành, ngay lập tức quy định tước quyền nuôi con của cha mẹ được áp dụng. Cơ quan bảo vệ trẻ em, chính quyền sẽ tìm nơi chăm sóc thay thế tốt nhất cho trẻ em, có thể gửi cho người thân, gia đình khác hoặc cá nhân khác nuôi dưỡng, chăm sóc.

Cháu bé 3 tuổi bị đóng đinh tử vong: Làm gì để chặn sớm thảm kịch bạo hành? - 2

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH).

"Thông thường trẻ ở với người thân thích khác thay thế bố mẹ, nếu không trẻ sẽ được đưa vào chăm sóc ở các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc tìm kiếm môi trường gia đình cho trẻ", ông Nam nhấn mạnh.

Theo Cục trưởng Đặng Hoa Nam, trước đây, việc tước bỏ quyền nuôi con khó khăn do pháp luật chưa có quy định. Tuy nhiên, vấn đề này đã khác, Việt Nam đã có đủ chế tài và hoàn toàn làm được.

Theo chuyên gia Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em Việt Nam, hệ thống chính sách về chăm sóc trẻ em rất đầy đủ, song thực hiện chưa hiệu quả.

"Lực lượng bảo vệ trẻ em đông nhưng không mạnh, chúng ta bỏ nhiều công sức tuyên truyền nhưng mạng xã hội hiện lại lấn át nhiều thông tin chính thống. Đúng là thực tế đang có nhiều vấn đề. Nhưng cũng phải nói lại, chúng ta đã làm được nhiều việc giải pháp mà chưa làm bật lên được", ông Cừ cho hay.

Ông Cừ cho rằng: "Chúng ta hay quy trách nhiệm lên cơ quan bảo vệ trẻ em với từng vụ việc, nhưng thiết nghĩ công tác chăm sóc, phòng chống xâm hại, bạo hành trẻ em là của toàn xã hội, của bố mẹ, của gia đình, của địa phương. Nếu chỉ mình cơ quan bảo vệ trẻ em vận động thì không bao giờ là đủ".