"Chấm điểm" chất vấn: Bộ trưởng nắm chắc, nói thẳng, không né tránh!

An Linh

(Dân trí) - Trả lời thẳng, nắm chắc vấn đề, thể hiện trách nhiệm là những từ mà các đại biểu, chuyên gia nói về phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Quốc hội.

Theo ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XIII, tại phiên chất vấn của Bộ LĐ-TB&XH, các đại biểu Quốc hội đã hỏi thẳng, chỉ thẳng, hỏi rất rõ và Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, bộc trực và trách nhiệm.

Theo ông Tiến, có hai vấn đề ông thấy nhức nhối là gói hỗ trợ đối với người gặp khó khăn, hoặc đến chậm, đến không đúng địa chỉ, đó là điều đáng trách và lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã làm rõ lý do gói hỗ trợ đầy nhân văn, nhân ái lại chậm đến tay người nghèo như vậy. Ông Tiến cho rằng, khi chỉ rõ nguyên nhân, phải xử lý thật nghiêm minh.

Chấm điểm chất vấn: Bộ trưởng nắm chắc, nói thẳng, không né tránh! - 1

Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XIII

"Thứ 2, là vấn đề trẻ em mồ côi cũng được đại biểu quốc hội quan tâm và Bộ LĐ-TB&XH đã xử lý đúng, trúng. Trẻ em là đối tượng khó có khả năng tự vệ rồi, đây lại là mồ côi cả cha lẫn mẹ thì các con khó khăn vô cùng, phải có sự chung tay của các liên ngành, bảo trợ cho các em... Tôi cho rằng, trẻ mồ côi mất cả cha, lẫn mẹ vì Covid-19 là đối tượng đặc biệt của đặc biệt, cần quan tâm" - vị đại biểu Quốc hội khóa XIII nhận xét.

Về cung ứng lao động cho phía Nam trong bối cảnh thiếu lao động do làn sóng về quê né dịch, theo ông Tiến, Bộ LĐ-TB&XH cần có giải pháp kết hợp với doanh nghiệp.

Ở góc độ sâu xa, theo ông, cần có giải pháp đồng bộ của các cấp, ngành, đặc biệt phải làm sao cho người lao động yên tâm làm nghề, yếu tố và các điều kiện phòng chống dịch phải tốt như yêu cầu của Chính phủ, Quốc hội là vừa chống dịch và phải đảm bảo sức khỏe của người lao động là trên hết.

Các giải pháp "kép" phải được thực thi để thu hút người lao động trở về với chính cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình.

Giải pháp mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra về việc đào tạo nghề, nâng cao tay nghề sau đại dịch, bù đắp lại thiếu hụt lao động là hoàn toàn hợp lý, đúng trong bối cảnh hiện nay.

Trao đổi với PV Dân trí xung quanh đánh giá về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, TS Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Trả lời tại phiên chất vấn đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đầy đủ, khách quan".

Chấm điểm chất vấn: Bộ trưởng nắm chắc, nói thẳng, không né tránh! - 2

TS Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

"Tôi theo dõi và thông qua đánh giá của cử tri, thấy rằng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nắm rất chắc vấn đề thể hiện sự chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong quá trình đại dịch Covid-19, Bộ đã tập trung nghiên cứu chính sách, bám sát thực tiễn, đề xuất điều chỉnh, thông qua kiểm tra nên trả lời của Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề đại biểu hỏi, không vòng vo mà các nội dung đầy đủ, ngắn gọn, chi tiết, súc tích, chính xác số liệu nhưng rất thẳng thắn, trách nhiệm. Dư luận đánh giá cao", TS Bùi Sỹ Lợi nói

Ông Lợi mong muốn, sau chất vấn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý tốt các tồn tại và giải quyết được các vướng mắc để bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục và phát triển thị trường lao động nhằm phục hồi tốt kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Chấm điểm chất vấn: Bộ trưởng nắm chắc, nói thẳng, không né tránh! - 3

Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng, phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH).

Theo ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng, phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) nội dung trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về các vấn đề đúng, trúng và đi vào trọng tâm. Các giải pháp đưa ra cũng rõ ràng, hợp lý. .

Bộ trưởng cũng chỉ ra những vấn đề thực tiễn đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương đang triển khai để thực hiện tốt, ví dụ như vấn đề thiếu hụt lao động, cung cầu, dự báo... đây là những vấn đề đặt ra cho ngành và Bộ trưởng đã đưa ra các giải pháp, cũng như gợi mở vấn đề đặt ra trong tương lai.

Về vấn đề "1 cung đường, 2 điểm đến" và đào tạo lao động thời kỳ 4.0, ông Trung cho biết, ngành lao động luôn chỉ đạo trong vấn đề lao động, qua khảo sát chúng tôi thấy nhiều địa phương thực hiện "3 cùng": cùng tuyển sinh, cùng đào tạo và cùng giải quyết việc làm. Như thế, việc gắn đào tạo với giải quyết lao động là điều tất yếu.

Mô hình "3 tại chỗ", "một cung đường", theo ông Trung, là biện pháp chưa có tiền lệ, nhiều đơn vị thực hiện tốt. Quan điểm của Bộ trưởng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là rất rõ "an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn", là linh hoạt, phù hợp bối cảnh hiện nay.