1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cha mẹ không đăng ảnh khoe con sao kẻ gian biết mà gọi điện lừa đảo?

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Để bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại trên môi trường mạng, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em nhấn mạnh, trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình, cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ.

Ngày 18/5, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023.

Tháng hành động vì trẻ em là hoạt động thường niên được tổ chức rộng khắp cả nước vào mỗi dịp hè. Đây là thời điểm thích hợp nhất để các Bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và đạo đức...

Đảm bảo mùa hè an toàn cho trẻ 

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, năm 2022, tình trạng bạo lực đối với trẻ em gia tăng so với năm 2021, đặc biệt là bạo lực trong trường học và trong gia đình. 

Trong 4 tháng đầu năm 2023, tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực trong trường học đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cũng cho thấy xu hướng xâm hại trẻ em trong năm 2023 gia tăng so với năm 2022. 

Cùng với đó là tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp. Các hành vi, hậu quả của vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên môi trường mạng đã và đang tác động đến trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần của trẻ. 

"Việc bảo vệ con trẻ trước thực trạng này, trách nhiệm trước hết phải thuộc về gia đình, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ.

Cha mẹ, người chăm sóc trực tiếp không làm, không bảo vệ con mình thì không ai có thể làm, có thể bảo vệ con em mình tốt hơn. Không ai có thể tạo lập môi trường sống an toàn cho trẻ bằng chính cha mẹ", ông Nam nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục trẻ em cho rằng, các cơ quan Nhà nước chỉ có thể đưa ra những chính sách tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho các gia đình chứ không thể đến từng nhà, từng địa chỉ "trông nom" trẻ. Nếu cha mẹ không quan tâm thì trẻ em không được bảo vệ, không được sống an toàn.

Cục trưởng Cục trẻ em nhấn mạnh, trẻ em sắp vào kỳ nghỉ hè, đòi hỏi các gia đình phải tăng cường quan tâm, không để gia tăng tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước, bảo đảm một mùa hè an toàn, lành mạnh cho các em.

"Thời gian vừa qua xuất hiện nhiều vụ việc các đối tượng lừa đảo gọi điện cho phụ huynh thông báo con ốm, nhập viện cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền. Từ đâu mà những đối tượng này lại có thông tin cụ thể về trẻ em như vậy? Cha mẹ không đăng ảnh con, không khoe thành tích của con lên mạng xã hội thì ai biết", ông Nam cảnh báo, việc đưa thông tin của trẻ lên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ bị xâm hại.

Cha mẹ không đăng ảnh khoe con sao kẻ gian biết mà gọi điện lừa đảo? - 1

Internet và những mối nguy hại tác động đến trẻ.

Thiếu công cụ lọc video độc hại với trẻ

Chia sẻ về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng việt nam, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo thống kê, tỷ lệ trẻ sử dụng internet ở độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi rất cao, chiếm 93% ở thành thị và 88% ở nông thôn. Trong đó, trẻ em gái sử dụng internet chiếm tới 89%. Đặc biệt, trẻ tiếp cận mạng qua phương tiện là điện thoại thông minh chiếm tới 98%.

Theo báo cáo của UNICEF năm 2022, 23% trẻ em cho biết đôi khi các em vô tình  thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm quảng cáo trên mạng.

"Trên thực tế, nội dung khiêu dâm có ở khắp nơi, vì vậy việc chặn các trang web khiêu dâm là không đủ và không hiệu quả. Trẻ em cần một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả chặn lọc nội dung trên mạng, giúp các em không bị "phơi nhiễm" trước thông tin xấu, độc.

Các công cụ hiện tại chỉ giới hạn trong xử lý hình ảnh và văn bản, còn việc xử lý video đòi hỏi công nghệ phức tạp, hầu như không có công cụ chặn lọc nào. Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc cho trẻ xem video từ trên mạng, đồng thời sử dụng công cụ chọn lọc nội dung để bảo vệ tối đa trẻ trên môi trường mạng", bà Hoa cho biết.

Theo đại diện Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong số những mối nguy hại tác động tới trẻ em là tình trạng phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng.

"Chính bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin, hình ảnh con trẻ một cách vô tư, không kiểm soát lên mạng xã hội, các diễn đàn... Điều này có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng tiêu cực với trẻ em", bà Hoa cảnh báo.