CEO livestream bán hàng để cố nuôi nhân viên, không ngờ kiếm 1 tỷ/tháng
(Dân trí) - Trước áp lực phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, sa thải nhân viên vì suy thoái kinh tế, anh Võ Thành Luân (SN 1987, tại Đà Lạt) đã quyết định tự học livestream, chủ động bán hàng qua mạng xã hội.
"Giám đốc mà đi bán hàng", "Du học về rồi cũng làm người livestream (phát trực tiếp nội dung trên mạng)", đó là một vài bình luận anh Võ Thành Luân (Giám đốc dự án Nhà của thời thanh xuân) nhận được khi quyết định bán những lọ tinh dầu, xà phòng, đồ trang trí… qua mạng xã hội.
Bỏ qua mọi ý kiến trái chiều, những nghi ngờ, nhạo báng, bằng sự kiên trì trong 9 tháng, anh đã tạo nên doanh thu bất ngờ. Quả ngọt lớn nhất là thành công này giúp anh không những không phải sa thải mà còn hỗ trợ được thêm về kinh tế cho nhân viên.
Chọn trách nhiệm, lòng tự trọng hay buông bỏ?
Năm 2016, trở về nước sau khi du học tại Philippines, anh Luân quyết định về vùng phố núi Đà Lạt, thành lập dự án Nhà của thời thanh xuân. Đây là dự án cộng đồng, hướng tới việc giúp đỡ những người câm, điếc có trải nghiệm nghề nghiệp, tiếp cận xã hội và học cách sống tự chủ hơn.
Nhờ kinh nghiệm từng làm việc cho các tập đoàn nước ngoài, chỉ một thời gian ngắn, anh Luân đã xây dựng được quán trà và vùng nguyên liệu lớn nhằm sản xuất tinh dầu, xà phòng, đồ trang trí từ cây cỏ ở Đà Lạt.
Công việc tiến triển tích cực, năm 2021, anh Luân mở rộng quy mô kinh doanh, thêm cửa hàng tại Hội An, TPHCM, Hà Nội cùng hàng chục đại lý bán lẻ trên cả nước. Đang đà tiến tới thì dịch Covid-19 ập đến bất ngờ, nhanh chóng khiến cậu chủ trẻ rơi vào cảnh khó khăn, kiệt quệ về mặt tài chính.
"Cả ba tỉnh thành nơi tôi mở cửa hàng đều là tâm dịch Covid-19. Tôi đã dùng toàn bộ tài sản có được cố gắng duy trì hoạt động và nuôi nhân viên. Thế nhưng, sau dịch lập tức tới giai đoạn suy thoái kinh tế. Thực sự tôi đã thấy áp lực đến mức nghẹt thở", anh Luân nói.
Năm 2023, lượng du khách đến Đà Lạt thưa vắng chưa từng thấy. Doanh nghiệp của anh Luân đứng trước bờ vực phá sản. Nhiều đêm liền, anh đắn đo trước việc cắt giảm nhân sự, thậm chí phải thu hẹp hoạt động kinh doanh.
"7 năm qua, những cộng sự là người khiếm thính làm tại các cửa hàng luôn là động lực để tôi cố gắng. Các cửa hàng đó là cả thanh xuân, tuổi trẻ của tôi. Không đành lòng để "đứa con tinh thần" bị xóa xổ, nhấn chìm trong thất bại, tôi suy nghĩ phải làm mọi cách, chấp nhận bản thân sẽ đi bán từng lọ tinh dầu để cầm cự", anh Luân nói.
Từ số 0 đến doanh thu 1 tỷ đồng/tháng
Từ một người chỉ tập trung vào giai đoạn sản xuất sản phẩm, anh Luân bắt đầu mày mò tìm hiểu về việc bán hàng bằng livestream. Bên cạnh đó, nhờ kinh nghiệm từng là giám đốc truyền thông cho một công ty Anh Quốc, anh nhận ra sự bùng nổ của mạng xã hội chính là con đường giúp vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhất.
Anh Luân nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ cho phiên livestream đầu tiên, kêu gọi các bạn khiếm thính cùng giúp đỡ. Thế nhưng, đổi lại những kỳ vọng, phiên mở hàng của anh không có lấy một đơn hàng.
"Lúc đó, tôi nhận về nhiều lời dị nghị, rằng giám đốc mà đi rao bán hàng, du học về cuối cùng cũng thành đứa livestream… Tâm trạng đôi lúc chùng xuống rất nhiều. Nhưng tôi biết chỉ khi nào vượt qua sự ngạo mạn của bản thân, tôi mới có thể giữ lại nhóm cộng sự khiếm thính", anh Luân nói.
Có được mục tiêu, sự quyết tâm, anh Luân kiên trì livestream 3-5 giờ mỗi ngày. Gặp khó khăn ở đâu, anh từ từ tháo gỡ, nhờ bạn bè đi trước chia sẻ thêm kinh nghiệm.
Nhận phản hồi tích cực và sự quay lại của khách, anh Luân bắt đầu chăm chút thêm cho từng sản phẩm. Theo đó, ở mỗi gói tinh dầu, anh đều đặt kèm một món quà tặng đậm chất Đà Lạt để tri ân.
Từ chỗ không một đơn hàng nào trong mỗi buổi livestream, tháng 9/2023, anh Luân đã chính thức đạt mốc 30.000 đơn hàng, với doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng.
Và niềm vui hơn là các cửa hàng không sa thải nhân viên mà còn tạo thêm công việc đóng gói hàng đều đặn cho những cộng sự khiếm thính.
Chia sẻ kinh nghiệm cho người trẻ theo đuổi việc khởi nghiệp, anh Luân cho biết, bản thân không có gì ngoài sự kiên định. Trong đó, chính khó khăn, thách thức và trọng trách với những nhân viên khuyết tật đã khiến anh kiên định với con đường mình chọn, từng ngày hoàn thiện bản thân.
"May mắn, hiện tại tôi đã hiểu thuật toán của mạng xã hội. Người xem luôn cần con người thật của chúng ta, nên hãy diễn tả nó một cách chân thật, bạn sẽ thành công. Tôi chưa bao giờ nhận bản thân là người giỏi nhưng tôi kiên trì và kiên định. Nếu không có những ngày không đơn hàng thì tôi sẽ không bao giờ đạt doanh thu 1 tỷ đồng vào tháng 9 vừa rồi", anh Luân cười, nói thêm.