1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cảnh báo: Tìm việc trên facebook không khó nhưng cũng dễ …“bị lừa”

(Dân trí) - Tìm việc trên facebook đang là xu hướng sau thời gian cách ly dịch Covid-19. Tuy nhiên không thiếu trường hợp gặp phải lừa đảo, người lao động chẳng biết kêu ai và lại đăng lên facebook để than thở.

Nạn nhân Lê Đăng Hoàng kể lại câu chuyện gặp môi giới việc làm qua mạng

Mắc bẫy: Đi làm luôn

Dạo một vòng trong các hội, nhóm tìm việc làm trên facebook, người dùng mạng không khó để có thể bắt gặp những nạn nhân của chiêu trò lừa đảo việc làm. Các nạn nhân vì sợ bị trả thù và số tiền bị lừa thường không lớn nên đành ngậm ngùi chịu thiệt.

Nhưng cũng có nhiều trường hợp tìm kiếm việc làm qua mạng xã hội bị các đối tượng môi giới lừa đảo đã đăng lên facebook để cảnh báo tới người lao động khác.

Chị Quách Ngọc Ánh (quê ở Kim Bôi, Hòa Bình) là một trường hợp như vậy. Qua một nhóm có tên là Việc Làm Hà Nội trên facebook, vài tháng trước, chị Ánh gặp một người môi giới công cho công việc làm nhân viên order (nhận đặt hàng của khách) tại nhà hàng với lương khởi điểm từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Cảnh báo: Tìm việc trên facebook không khó nhưng cũng dễ …“bị lừa” - 1

Một đoạn tin nhắn của môi giới việc làm tới người lao động.

Qua trao đổi vài câu đơn giản, người đàn ông này nhắn chị Ánh qua ngõ 254 đường Mỹ Đình (Hà Nội) đem theo chứng minh thư và đồ đạc để đi làm luôn. Chị Ánh bắt xe khách từ Hòa Bình xuống Hà Nội với sự háo hức về một công việc chính đáng.

“Tới nơi, tôi được yêu cầu nộp 500.000 đồng đồng tiền môi giới. Sau khi phỏng vấn, người đàn ông lạ mặt trả lời do nhà hàng đã tuyển đủ người rồi nên tôi không được tuyển nữa” - nạn nhân kể lại.

Số tiền đặt cọc cũng không được trả lại, chị Ánh đành ngậm ngùi ra về.

Không đơn thuần như trường hợp chị Ánh, bạn Lê Đăng Hoàng (họ tên nhân vật đã thay đổi, quê Thanh Hóa) ra Hà Nội xin việc đã hơn 1 tuần nay.

Hoàng kể: “Trong quê Thanh Hoá, em đọc thông tin tuyển dụng của một anh thanh niên trên Facebook về cơ hội việc làm tại Hà Nội. Anh ta bảo ra làm việc ngay với công việc ở nhà hàng. Em đi xe khách ra tới nơi thì anh ta lại bảo em đi làm sản xuất… túi nilon”.

Đã chót ra tới Hà Nội, Hoàng đành chấp nhận với việc làm túi nilon. Tuy nhiên, môi trường làm việc quá nóng bức, độc hại và không như cam kết ban đầu, Hoàng đã từ chối.

Cảnh báo: Tìm việc trên facebook không khó nhưng cũng dễ …“bị lừa” - 2

Nạn nhân Lê Đăng Hoàng chia sẻ câu chuyện tìm việc

Bên môi giới đòi Hoàng phải trả 400.000 đồng để đền bù hợp đồng. Như vậy, với 400.000 đồng phí tìm việc lúc đầu và tiền bồi thường hợp đồng, Hoàng đã trả cho cá nhân môi giới 800.000 đồng nhưng vẫn …không có việc làm.

“Mẹ em mất khi em vừa tròn 1 tháng tuổi, bố lại đang mắc bệnh ung thư phổi. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, em mong muốn sớm tìm được việc làm để chạy chữa bệnh cho bố” - Hoàng chia sẻ thêm.

Đang lúc mất hết lòng tin với kiểu môi giới việc làm trên mạng, Hoàng tình cờ tự xin được công việc đi phụ lắp camera với mức lương 6 triệu đồng/tháng tại một cửa hàng kinh doanh công nghệ trên địa bàn phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm).

Cẩn trọng với những chiêu trò

Tận dụng “cơn khát” việc làm của lao động sau thời gian cách ly dịch Covid-19 và nhiều bạn trẻ mới ra trường, các đối tượng lừa đảo không từ một hoàn cảnh lao động nào để chiếm đoạt các khoản tiền dù nhỏ nhất.

Đối tượng được nhắm đến chủ yếu là các bạn trẻ ngoại tỉnh, sinh viên mới ra trường muốn tự lập để khẳng định bản thân. Tuy nhiên, các nhóm người trẻ lại chưa có nhiều kinh nghiệm va chạm xã hội và rất cần việc làm.

Từ nhiều tình huống của người lao động bị lừa đảo cho thấy, các đối tượng môi giới thường sử dụng hình thức đăng bài viết mời tham gia tuyển dụng lên các hội, nhóm trên các trang mạng xã hội.

Cảnh báo: Tìm việc trên facebook không khó nhưng cũng dễ …“bị lừa” - 3

Lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, khi mất việc sẽ được tư vấn - giới thiệu việc làm miễn phí tại các TT DVVL của ngành LĐ-TB&XH.

Chủ yếu là những lời mời chào làm công việc phổ thông, không cần nhiều kỹ năng, như: Phụ bếp, chạy bàn, bảo vệ, giao - bán hàng, lao động phổ thông với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, hấp dẫn nhiều lao động trẻ.

Sau khi đã kết nối với “con mồi”, các đối tượng môi giới sẽ tiếp chuyện bằng thái độ thân tình để tạo dựng lòng tin cùng những lời hứa hấp dẫn. Điều này tác động vào tâm lý những bạn trẻ đến từ các tỉnh nhẹ dạ cả tin và đang thiếu kỹ năng sống.

Tuy nhiên, các đối tượng lại giới thiệu tới những công việc khác với ban đầu hoặc đưa ra các lý do bất khả kháng. Những công việc mới thường vất vả hoặc điều kiện làm việc khó khăn, “con mồi” thấy nản nên đành bỏ cuộc giữa chừng.

Do số tiền nộp không quá lớn, nhiều người lao động đành bỏ qua không kiện cáo, coi như “học phí” tìm việc làm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), thừa nhận tình trạng lừa đảo việc làm trên mạng đang là một thánh thức lớn trong công tác tạo việc làm bền vững cho lao động.

“Trên mạng xã hội đang tồn tại nhiều trang, nhóm tuyển dụng. Bên cạnh các thông tin chính xác, người lao động cũng rất dễ gặp phải các thông tin, tình huống lừa đảo việc làm” - ông Thảo đánh giá.

Bên cạnh lời khuyên cần cẩn trọng với những thông tin việc làm trên mạng, ông Thảo cho biết: Người lao động có thể tìm đến các kênh, sàn giao dịch việc làm chính thống như Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (215 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) hay truy cập vào website: Vieclamhanoi.net để có thể tìm được việc làm một cách thuận tiện và hợp lý nhất.

Ông Thảo khẳng định, Trung tâm DVVL Hà Nội và các văn phòng vệ tinh trên địa bàn không thu bất kỳ một loại phí tuyển dụng nào đối với người lao động.

 Phạm Công