Đắk Nông
Cán bộ ngành LĐ-TB&XH với những kỷ niệm "gây thương nhớ" ở vùng sâu vùng xa
(Dân trí) - Ở vùng sâu vùng xa tỉnh Đắk Nông, nhiều cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH để lại ấn tượng đẹp trong lòng dân. Họ cũng có nhiều kỷ niệm "nhớ đời" khi băng rừng, lội suối, chăm lo chế độ chính sách cho bà con.
Uống chén rượu mở đầu câu chuyện
Anh Nguyễn Trung Hiếu là cán bộ phụ trách mảng LĐ-TB&XH của UBND xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông). Đây là xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất tỉnh với 96% là người dân tộc thiểu số, sinh sống rải rác ở nhiều khu vực.
Đặc điểm của xã Quảng Hòa là nhiều người dân tộc thiểu số, sống ở những khu dân cư nằm sâu trong rừng, cách trung tâm xã cả hơn 20 km. Thế nên hầu hết cán bộ xã khi đi công tác, đều ở lại nhà dân qua đêm.
Theo lời anh Nguyễn Trung Hiếu, người dân ở thành phố, thị trấn, nếu có việc thì chỉ cần gọi điện, thông báo ở trụ sở ủy ban. Tuy nhiên ở Quảng Hòa, nhiều khu vực còn chưa có sóng điện thoại, nhà dân cách nhau cả trăm mét. Cán bộ xã phải xuống tận nơi mới gặp được dân.
Thông thường, anh sẽ cũng đồng nghiệp đi vào các khu dân cư từ chiều hôm trước với mục đích để gặp trưởng bản, người có uy tín trong làng, để công việc sáng hôm sau tổ chức thuận lợi.
"Ở cụm dân cư Suối Phèn, 100% là đồng bào Mông. Người dân quý cán bộ lắm, nên khi vào Suối Phèn, người dân đều giữ lại ăn cơm. Qua bữa cơm, mọi người hiểu nhau hơn. Sáng hôm sau, nhiều trưởng bản còn nghỉ đi rẫy để dẫn mình đi làm", cán bộ UBND xã Quảng Hòa kể.
Sau 11 năm công tác, chị Nguyễn Thị Thu (công chức UBND xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong) cũng có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong những lần đi cơ sở, gặp gỡ người dân.
Giống xã Quảng Hòa, xã Đắk Ha có nhiều thành phần dân tộc, trong đó có các cụm dân cư của đồng bào phía bắc nằm trên đất rừng, cách xa trung tâm xã cả nửa ngày đi đường. Chính vì thế, mỗi lần vào cụm dân cư làm việc, hành trang không thể thiếu là kẹo bánh cho trẻ em trong cụm.
Tuy nhiên, lần nào đi cơ sở, cán bộ xã cũng nhận được tình cảm nồng hậu của người dân địa phương. Trước khi cán bộ ra về, nhiều người còn mang rau củ trong nhà để tặng cho đoàn.
"Người dân nơi đây thật thà, chất phác. Chúng tôi xuống cụm dân cư làm chế độ chính sách, dù chưa biết có được không nhưng họ vẫn vui vẻ tặng quà mang về. Có khi đó chỉ là cái bánh ngô, bó rau, nhưng cũng có khi ký măng hoặc giỏ lan rừng. Thậm chí, có bác trưởng thôn ngày hôm sau còn chở cả quả mít gần 20 kg đến trụ sở UBND xã để tặng", chị Nguyễn Thị Thu kể.
"Tặng quà" người dân
Gắn bó với công việc đưa chế độ, chính sách đến với người dân, chị Nguyễn Thị Thu không ít lần gặp những chuyện "dở khóc, dở cười" khi bà con tìm tới tận nhà chị để "hỏi quà".
Mới đây nhất, vào đầu năm 2021, thông qua kết nối của chị, một hộ gia đình của xã Đắk Ha nhận được tiền hỗ trợ từ các nhà tài trợ. Sau đó, chị Thu tiếp tục kết nối, nhờ mọi người giúp đỡ gia đình anh V.A.S. có con bị khuyết tật bẩm sinh.
Tuy nhiên, ngay sau đó, do nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam nên đến thời điểm này, cháu bé vẫn chưa được nhận trợ giúp. Gia đình S. liên tục liên hệ chị và cán bộ thôn vì không có quà.
Chị Nguyễn Thị Thu tâm sự: "Chúng tôi đã giải thích, quyền lợi và chế độ của cháu đã được Nhà nước lo. Riêng sự hỗ trợ bên ngoài là từ các nhà tài trợ, họ có lý do cá nhân nên chưa thể gửi quà lên cho mình. Thật sự trong hoàn cảnh này, mình đã chủ động bỏ tiền túi tặng cháu bé một món quà nhỏ, chia sẻ với đồng bào".
Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội - tiền thân của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày nay.
76 năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội luôn kiên trì, nỗ lực triển khai quan điểm của Đảng, Nhà nước, lấy con người làm trung tâm, phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển.