Các mức trợ cấp bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp một lần ra sao?
(Dân trí) - Bà Lan Phương (Đống Đa, Hà Nội) hỏi: Cháu tôi bị tai nạn lao động trong giờ làm việc tại doanh nghiệp. Vậy xin hỏi, Luật An toàn vệ sinh lao động quy định các mức trợ cấp ra sao?
Liên quan tới thắc mắc trên, Điều 48 và 49 của Luật An toàn vệ sinh lao động đã quy định nhiều chế độ trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động.
Trợ cấp một lần
Mức này được áp dụng cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%.
Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Luật cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết việc tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong trường hợp người lao động thay đổi mức hưởng trợ cấp do giám định lại, giám định tổng hợp.
Trợ cấp hằng tháng
Mức trợ cấp này được áp dụng cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.
Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.