1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch hoàn thành sứ mệnh

Thái Anh

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đã đáp ứng yêu cầu, cơ bản hoàn thành các mục tiêu nên đề xuất không kéo dài thêm…

Báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại phiên họp thường kỳ tháng 2 diễn ra ngày 3/3/2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, cả nước đã hoàn thành việc thực hiện chính sách.

Các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch hoàn thành sứ mệnh - 1

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp Chính phủ ngày 3/3.

46.000 tỷ đồng hỗ trợ 36 triệu người lao động

Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong lúc "bĩ cực" được ban hành nhanh chóng, kịp thời đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống người dân.

Nội dung các chính sách đã bám sát theo yêu cầu thực tiễn, với các quy định rõ ràng, đơn giản, dễ thực hiện. Công tác tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Các chính sách, theo đó, đã hỗ trợ tích cực cho người lao động ổn định cuộc sống, người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, cả nước đã hỗ trợ cho gần 36 triệu lượt người lao động, người dân, xấp xỉ 400.000 đơn vị sử dụng lao động và 508.000 hộ kinh doanh, với tổng số tiền là khoảng 46.000 tỷ đồng.

Trong đó, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, với nhóm chính sách về bảo hiểm, 11,8 triệu người lao động đã được hỗ trợ số tiền gần 5.600 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ bảo hiểm xã hội và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, số liệu tổng hợp từ các địa phương cho thấy, có 7,2 triệu người và 508.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ với tổng số tiền trên 14.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động hỗ trợ 15,6 triệu người lao động không giao kết hợp đồng lao động và lao động đặc thù với số tiền là 21.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Với nhóm chính sách hỗ trợ cho vay vốn, theo báo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến hết năm 2022 (thời điểm ngừng giải ngân theo quy định), gần 5.000 tỷ đồng đã được giải ngân, đạt 63,8% kế hoạch theo Nghị quyết 68 (mục tiêu đề ra là hỗ trợ vốn vay 7.500 tỷ đồng). Số tiền này dành cho trên 3.500 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 1,2 triệu người lao động.

Đáng chú ý, trong suốt quá trình triển khai thực hiện chính sách, 12 đoàn kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội đi giám sát tại 27 tỉnh, thành phố, thanh tra tại 9 tỉnh thành khác cũng chưa phát hiện hành vi trục lợi chính sách. Chính sách nhìn chung được thực hiện minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng xác nhận một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 68. Do tình hình cấp bách và yêu cầu xây dựng chính sách trong thời gian ngắn trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội; chính sách hỗ trợ tổng hợp đề xuất từ một số bộ, cơ quan liên quan, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ nên trong đề xuất chính sách còn có nội dung chưa sát thực tiễn đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung. Dự trù kinh phí với một vài chính sách cụ thể chưa sát.

Việc tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương đôi chỗ còn thiếu nhất quán. Một số địa phương gặp khó khăn về ngân sách nên việc cấp phát kinh phí có lúc chưa kịp thời, chi hỗ trợ đối tượng còn chậm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chế độ còn nhiều hạn chế.

Hoàn thành chi trả chế độ còn... nợ 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát những bài học kinh nghiệm thu được sau quá trình thực hiện Nghị quyết. Ông nhấn mạnh, thành công trong xây dựng và triển khai chính sách có được là kết quả của sự quan tâm sâu sắc, sự chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và sự ủng hộ của người dân.

Cũng theo người đứng đầu lĩnh vực an sinh xã hội, trong thiết kế chính sách, việc quy định rõ ràng, đơn giản về điều kiện, thủ tục, có sự phân công, phân cấp, phân quyền rõ ràng là yếu tố quyết định hiệu quả thực hiện.

Bài học cần quán triệt là trong tổ chức triển khai, cần có sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát từ trung ương đến địa phương, phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm; có sự hướng dẫn cụ thể, kịp thời và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Sau nữa, cần làm tốt công tác xây dựng cơ sở dữ liệu để nâng cao chất lượng công tác dự báo, phục vụ xây dựng, ban hành và triển khai chính sách.

Chỉ rõ tính chất của các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 68) đều được thiết kế trong ngắn hạn, đối tượng, điều kiện, tiêu chí áp dụng chỉ phù hợp trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh, Bộ trưởng nhận định, các mục tiêu đề ra đến nay đã đảm bảo hoàn thành. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đề nghị không đề xuất kéo dài các chính sách đã hết hạn thực hiện được quy định tại 2 Nghị quyết.

Với 3 địa phương (Cần Thơ, Thái Bình, Bạc Liêu) hiện vẫn chưa được cấp kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo quy định tại Nghị quyết số 68 nên còn một số đối tượng chưa được thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ theo quy định, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, thực hiện. UBND các tỉnh thành chỉ đạo các sở, cơ quan chuyên môn tại địa phương tiếp tục rà soát để hoàn thành việc chi trả các chế độ cho các đối tượng theo quy định.