Cần Thơ
"Cả năm làm không dư còn thiếu nợ đâu dám về quê ăn Tết"
(Dân trí) - Vì Covid-19 kéo dài nên cả năm qua nhiều công nhân chẳng dư được đồng nào, thậm chí còn thiếu nợ. Nhớ nhà, nhớ con nhưng họ chẳng dám về quê đón Tết.
Qua một năm biến động, thiếu việc làm, thu nhập giảm sút, tài chính tích lũy cạn kiệt, nhiều người lao động lựa chọn đón Tết xa quê để tiết kiệm chi phí và tăng ca trong dịp Tết để kiếm thêm thu nhập.
Nhà gần cũng chẳng dám về
Chiều 29 Tết, chúng tôi ghé thăm khu nhà trọ nằm sâu trong con hẻm 44 thuộc đường Lê Hồng Phong, khu vực 2, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, Cần Thơ, lúc này người trong xóm trọ lỉnh kỉnh lên xe về quê ăn Tết nhưng vẫn còn hơn chục hộ gia đình ở lại đón Tết nơi xứ xa.
Chạng vạng, ánh nắng vẫn còn len lỏi qua khe cửa trong căn phòng trọ chật hẹp, chị Nguyễn Ngọc Bích (34 tuổi) đưa mắt nhìn về nhành mai đang nở rộ. Chị Bích kể, nhà ở huyện Cờ Đỏ, cách chỗ ở chỉ một giờ đi đường nhưng chị chẳng dám về nhà đón Tết.
"Từ ngày ly hôn chồng, giành được quyền nuôi 2 con tôi phải bươn chải nhiều hơn mới lo được cho cha mẹ già và 2 con thơ dại. Đứa con trai lớn đang ở với ông ngoại ở quê còn chị đang tạm trú cùng mẹ ruột và con gái út ở Trà Nóc", chị Bích cho biết.
Trước đây, chị làm công nhân cho một công ty ở khu công nghiệp Trà Nóc. Khoảng một tháng trước khi giãn cách xã hội, chị Bích chuyển sang làm việc tại công ty thủy sản mức lương thực lãnh với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Đồng lương ít ỏi nhưng chị phải chia 2 phần, một phần gửi về quê, phần còn lại để chi tiêu hàng tháng, tháng nào cũng thiếu trước hụt sau.
"Ai ngờ làm được một tháng thì dịch bệnh bùng phát dữ dội, công ty tạm ngừng hoạt động để phòng dịch, cả nhà chị 3 người tạm chôn chân trong căn phòng trọ đếm từng ngày chờ hết dịch", chị Bích buồn bã nói.
Thời gian đó, công ty chỉ hỗ trợ được hơn một triệu đồng/tháng, chủ trọ giảm được nửa tháng tiền nhà, chưa bao giờ nữ công nhân nghĩ tới cảnh mình phải trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước và mạnh thường quân để sống qua mùa dịch.
Hỏi về lý do không về quê đón Tết, đôi mắt chị đỏ hoe nói: "Tiền đâu mà về em ơi, Tết này công ty khó khăn thưởng được có 2 triệu thôi đủ đóng tiền trọ với sắm bộ áo mới cho con, không mua nổi chậu bông để chưng cho tươm tất, ráng đợi qua Tết làm một thời gian, có tiền mình về".
Mọi năm mong Tết lắm nhưng năm nay sợ Tết rồi!
Bên cạnh phòng trọ của chị Bích, không khí trong căn phòng của bà Trần Thị Thùy Linh (50 tuổi, quê Bạc Liêu) còn hiu hắt hơn. Đón giao thừa, bà Linh mua được 3 hộp bánh quy cúng bàn Phật cầu nguyện cho năm mới bình an, hạnh phúc.
Cũng như chị Bích, hậu ly hôn bà Linh rời quê đi làm công nhân. Ở tuổi ngoài 45 bà tìm được công việc thời vụ tại công ty giày da, túi xách, với mức lương 4,5 triệu/tháng. Xa nhà 3 năm nhưng 3 năm liền cứ 27 Tết bà dọn đồ, sắm sửa bánh mứt đem về quê đón Tết cùng bà con nhưng năm nay không còn như thế.
"Do dịch bệnh, ba tháng nay tôi chỉ loanh quanh trong xóm trọ, tiền tích lũy cạn dần nên chẳng dám về quê. Mọi năm mong Tết lắm nhưng năm nay sợ Tết rồi", bà Linh trải lòng.
Theo bà Linh, mang tiếng đi làm xa về quê ăn Tết phải có quà bánh mang về, con cháu đến nhà chúc Tết cũng tốn thêm khoảng lì xì. "Ở trong chăn mới biết chăn có rận, dịch vừa rồi tôi còn thiếu người hàng xóm đối diện trọ 2 triệu đồng chưa trả nổi, qua Tết tôi định đi bán vé số trang trải chứ làm công nhân thì quá lứa lỡ thì rồi, đâu ai nhận nữa", bà Linh bộc bạch.
Để động viên tới những lao động đón Tết xa nhà, trước dịp năm mới Liên đoàn Lao động thành phố Cần Thơ đã tổ chức thăm hỏi và trao quà khoảng 2.000 suất gồm tiền mặt và quà Tết cho công nhân lao động không về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đây là một hoạt động nằm trong chương trình "Tết Sum vầy - Xuân Bình an".