"Bó hoa đẹp nhất của thầy cô là sự hoà nhập cộng đồng của trẻ khuyết tật"

Phạm Công

(Dân trí) - "Món quà mà các thầy cô mong muốn nhất trong Ngày 20/11 là các cháu được đến trường, tự tin hòa nhập và theo kịp các bạn. Phụ huynh xoá mặc cảm khi thấy con mình là trẻ khuyết tật...".

Thầy giáo Tô Duy Khang, giáo viên Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) bày tỏ với PV Dân trí nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Hơn cả là sự yêu thương

Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn nằm trên địa bàn xã Đông Yên (Quốc Oai, Hà Nội). Nơi đây đang nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và hướng nghiệp cho 143 trẻ khuyết tật của thành phố.

Đang giờ học múa, cô giáo Nguyễn Thị Quyên miệt mài hướng dẫn các em nhỏ bài học đơn giản. Sự nhẫn nại thể hiện ở từng cử chỉ và động tác của cô với những học trò đặc biệt này.

Cô giáo Nguyễn Thị Quyên nói: “Các cháu lớp này đều mới vào đây, sau mấy tháng dạy dỗ đều biết múa, biết hát. Nhìn các cháu múa hát, chúng tôi thấy đó là món quà lớn nhất trong dịp 20/11 rồi".

Chia sẻ của những thầy cô giáo dậy trẻ em khuyết tật

Hơn 8 năm đến với nghề nuôi dạy trẻ khuyết tật, lớp học của cô Nguyễn Thị Quyên không chỉ có trẻ tự kỷ mà còn có các em bị hội chứng Down, chậm phát triển. Việc dạy dỗ lớp này luôn khó khăn gấp nhiều lần so với những lớp tiểu học bình thường.

Cô Nguyễn Thị Quyên kể: “Việc chăm các cháu mới vào là khó khăn nhất, các cháu quấy khóc, không làm chủ được hành vi nên đánh thầy cô và các bạn là chuyện bình thường. Những lúc như thế, tôi càng phải bình tĩnh, nhẫn nại chăm lo cho các cháu, để các cháu cảm nhận được tình yêu thương như ở nhà”.

Không ít lần, cô bị các em cào cấu đến bầm tím da thịt. Nhưng các cô không giận, trách móc mà chỉ thấy thương các em nhiều hơn.

Bó hoa đẹp nhất của thầy cô là sự hoà nhập cộng đồng của trẻ khuyết tật - 1

Một tiết học múa của cô Nguyễn Thị Quyên với trẻ em khuyết tật

Hiểu hơn ai hết sự khác biệt giữa dạy dỗ trẻ bình thường và trẻ em khuyết tật, cô Hà Thị Ngọc Thảo từng công tác tại một trường tiểu học trên địa bàn xã Đông Yên, (Quốc Oai, Hà Nội). Sau khi Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn (Hà Nội) được thành lập, bằng tình yêu thương vô bờ bến với trẻ em kém may mắn, cô chuyển về đây để giảng dạy.

Cô Hà Thị Ngọc Thảo tâm sự: “Phải hiểu được bệnh lý, tính cách từng cháu mới có thể dạy được. Có cháu phải mềm dịu, nhưng cũng có cháu cần phải cứng rắn. Nhìn những nụ cười ngây thơ của các em, trong tim tôi có sự đồng cảm và tự nhủ phải có trách nhiệm chăm sóc các em kém may mắn này. Kể từ đó, tôi biết mình có mối lương duyên chẳng thể cắt bỏ với những đứa trẻ ấy”.

Theo cô Hà Thị Ngọc Thảo, các cháu đến đây đều là những trẻ khuyết tật trí tuệ đặc biệt nặng, mắc hội chứng Down, tự kỷ, rối loạn hành vi không có khả năng nhận thức, hoặc nhận thức rất kém ngoài ra còn có không ít cháu câm, điếc. Mỗi cháu có một tính cách và hoàn cảnh khác nhau nên việc chăm không hề dễ dàng.

Bó hoa đẹp nhất của thầy cô là sự hoà nhập cộng đồng của trẻ khuyết tật - 2

Cô Hà Thị Ngọc Thảo với giờ giảng cho các trẻ em khuyết tật

Quà tặng vô giá ngày 20/11

Là một người từng công tác hơn 13 năm tại Trung tâm, cô Hà Thị Ngọc Thảo không nhớ nổi đã dạy dỗ, kèm cặp bao nhiêu học trò. Với cô ngày 20/11 được nhìn thấy những ánh mắt trong veo của những đứa trẻ đang vui đùa là món quà lớn lao nhất.

“Có lần từ lâu lắm rồi, hồi ấy trung tâm mới thành lập, đúng ngày 20/11 có một cháu quê ở Thường Tín được gia đình lên đón về sau một năm phục hồi chức năng ở đây. Mẹ cháu ôm theo bó hoa đã bị héo và bám bụi đường xa tới tặng các thầy cô ở trung tâm. Ai đấy đều cảm động rồi truyền tay nhau để ôm bố hoa đặc biệt tri ân thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam” - cô Hà Thị Ngọc Thảo kể nhớ lại.

Thầy giáo Tô Duy Khang, cũng gắn bó với Trung tâm từ ngày mới thành lập đến nay. Suốt 15 năm dạy dỗ, nhiều học trò của thầy đã trưởng thành và có việc làm ổn định. Có em đi làm thợ may hoặc công nhân thường gọi điện về trò chuyện cùng thầy giáo. Những động lực ấy đã tiếp thêm cho thầy sức mạnh, để dạy dỗ nhiều hơn những thế hệ học sinh khuyết tật sau này.

Bó hoa đẹp nhất của thầy cô là sự hoà nhập cộng đồng của trẻ khuyết tật - 3

Thầy giáo Tô Duy Khang luôn dành sự yêu thương với những em khuyết tật

“Món quà mà tôi mong muốn nhất trong ngày 20/11 là khi thấy các cháu được đến trường hòa nhập, tự tin học tập, theo kịp các bạn. Xóa đi mặc cảm đối với các bậc phụ huynh, không còn mặc cảm khi thấy con mình là trẻ khuyết tật. Qua tất cả là sự tin tưởng của họ dành cho các thầy cô, từ đó các phụ huynh khác cũng tin tưởng hơn để đưa con đến trường học hòa nhập” - Thầy giáo Tô Duy Khang tâm sự.

Chăm sóc những đứa trẻ bình thường đã khó, để chăm sóc được những đứa trẻ khiếm khuyết về thể chất, tâm lý, trí tuệ,.. đủ để thấy những khó khăn gấp bội mà những cán bộ gặp phải. Mặc dù còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng nói về mong muốn của mình, các thầy cô vẫn chỉ một lòng nghĩ đến việc làm sao để ngày càng giúp đỡ được nhiều học sinh khuyết tật, làm sao để các em được học tốt hơn.

Chia sẻ với PV Dân Trí, ông Nguyễn Kim Cam, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn (Hà Nội) cho biết: “Những giáo viên nơi đây đều chấp nhận sự dấn thân vì nghề nghiệp. Tôi khâm phục và trân trọng từng đồng nghiệp của mình. Mỗi trẻ khuyết tật đều là một ca đặc biệt, cần một giáo án và kế hoạch lên lớp từng ngày khác hẳn nhau. Điều đó cho thấy những khó khăn mà giáo viên dạy trẻ khuyết tật gặp phải”.