1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bình Dương: Ngày đêm làm việc, gấp rút chi hỗ trợ đến người khó khăn

Xuân Hinh

(Dân trí) - Bình Dương đã chi gần 1.000 tỷ đồng hỗ trợ 1,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dù địa phương đang siết chặt giãn cách, hàng nghìn cán bộ vẫn ngày đêm xuống địa bàn chi hỗ trợ.

Bình Dương: Ngày đêm làm việc, gấp rút chi hỗ trợ đến người khó khăn - 1

Bà Nguyễn Ngọc Hằng- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương (ngoài cùng, bên phải) kiểm tra việc chi trả hỗ trợ người dân khó khăn trên địa bàn tỉnh. 

Sáng 26/8, trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Ngọc Hằng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cho biết: "1,8 triệu người dân trên địa bàn đã được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh và Quyết định 12 của UBND tỉnh. Hơn một triệu lao động được giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 417 tỷ đồng".

Để đạt được kết quả như trên, hơn một tháng qua, hàng ngàn cán bộ ngành đã phải làm việc xuyên ngày đêm. Công tác phê duyệt hồ sơ được triển khai không kể thứ 7, chủ nhật. Bình Dương triển khai làm việc theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH là làm mọi cách để người dân được hỗ trợ sớm nhất.

"Thực hiện Chỉ thị 16 công tác chi hỗ trợ đã khó khăn, thì nay còn khó khăn hơn. Sở đã chia từng tổ nhỏ ở từng địa phương để đến từng nhà, từng ngõ, từng khu nhà trọ để chi hỗ trợ cho người dân. Do vậy, có sự chậm trễ đối với một vài nơi, mong người dân thông cảm và chia sẻ", bà Nguyễn Ngọc Hằng thông tin.

Bình Dương: Ngày đêm làm việc, gấp rút chi hỗ trợ đến người khó khăn - 2

Những tổ xung kích đến tận các khu nhà trọ để trao hỗ trợ cho người dân.

Ngoài việc triển khai Nghị quyết 68, tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, người dân đang ở các khu nhà trọ, không phân biệt công nhân hay lao động tự do đều được nhận 300.000 đồng và một phần quà trị giá 500.000 đồng. Trong tháng 8, tất cả người dân ở trọ sẽ được hỗ trợ.

"Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, công tác an sinh phải đảm bảo để người dân an tâm phòng chống dịch. Do vậy, dù người dân ở các khu vực phong tỏa, khu vực bị áp dụng khóa chặt, cũng được chăm lo. Hiện, 11 phường bị khóa chặt đã được hỗ trợ lương thực trị giá 50.000 đồng/ngày, hỗ trợ trong vòng 15 ngày", Phó Giám đốc Sở thông tin thêm.

Vừa qua, hơn 8.000 tấn gạo được Chính phủ cấp phát, Bình Dương đã chuyển xuống cho các huyện, thị xã nằm trong "vùng đỏ". Đối tượng cấp phát gạo là người nghèo, người cận nghèo, người đang hưởng bảo trợ xã hội, mỗi người 15kg. Những vùng khác người dân gặp khó khăn sẽ được cấp phát vào đợt sau.

Bình Dương: Ngày đêm làm việc, gấp rút chi hỗ trợ đến người khó khăn - 3

Đến nay, Bình Dương đã giải ngân gần 1.000 tỷ để hỗ trợ người dân. Công tác chi hỗ trợ vẫn được tích cực triển khai ngày đêm.

"Đến nay hơn 120.000 lao động tự do đã được hỗ trợ. Bình Dương đang mở rộng thêm hỗ trợ nhóm công nhân ở các công ty, xí nghiệp chưa có hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng nhưng chưa được đóng bảo hiểm xã hội. Họ chưa đủ điều kiện để hưởng theo chế độ tạm hoãn hợp đồng lao động tại Quyết định 23. Chủ trương này đã được UBND tỉnh chấp thuận với 106.000 người được hỗ trợ", Bà Nguyễn Ngọc Hằng nói về chính sách hỗ trợ đặc thù trên địa bàn.

Cũng theo bà Nguyễn Ngọc Hằng, Bình Dương đang làm tất cả để doanh nghiệp, người dân được hưởng hỗ trợ sớm nhất. Ngoài việc xuống tận địa phương khảo sát, nhiều thủ tục hành chính cũng được giảm bớt. Đặc biệt, nếu phát hiện có nhóm đối tượng lao động, người dân khó khăn chưa được hỗ trợ, Sở sẽ đề xuất để chi ngay.

"Doanh nghiệp đang ngưng hoạt động nên việc hoàn thiện hồ sơ tạm hoãn sẽ rất khó khăn. Công ty không mở cửa sao bộ phận nhân sự có thể lấy dữ liệu người lao động. Do vậy, Bình Dương đã hỗ trợ bằng cách yêu cầu doanh nghiệp cam kết về số lượng người lao động nhận hỗ trợ, nộp hồ sơ online và bổ sung ngay sau khi giãn cách. Nhờ vậy, việc hỗ trợ nhanh hơn", Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH chia sẻ.