Bị quấy rối tình dục, nữ công nhân chọn cách im lặng
(Dân trí) - Khảo sát cho thấy, 53,5 % nữ công nhân được hỏi đã thừa nhận từng bị quấy rối tình dục. Tuy nhiên, chưa trường hợp quấy rối tình dục nào được xử lý.
Ngày 24/10, Ban quản lý Chương trình Hỗ trợ phát triển quận Bình Tân, TPHCM tổ chức chuyên đề "Phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc".
Ông Phạm Hải Bình, chuyên gia phát triển cộng đồng thông tin, khảo sát của dự án do ActionAid Việt Nam và Học viện phụ nữ Việt Nam thực hiện năm 2018 tại 4 nhà máy trong ngày may mặc ở TPHCM và Hải Phòng chỉ ra: Hơn 53 % nữ công nhân được hỏi xác nhận họ đã bị quấy rối tình dục (QRTD) hoặc chứng kiến hành vi QRTD; gần 87 % cho rằng nạn nhân thường là nữ công nhân, chưa đến 20% cho rằng nạn nhân có thể là nam công nhân.
Tuy nhiên, chưa có trường hợp QRTD nào được xử lý trong các nhà máy được khảo sát.
Trước hành vi quấy rối, phản ứng gay gắt nhất của nạn nhân là chửi bới hoặc cau mặt bỏ đi, còn lại nhiều người ngại va chạm cho dù tâm lý rất muốn trừng trị người gây ra hành vi.
Khảo sát cũng chỉ ra, không ai sẵn sàng báo cáo lãnh đạo công ty. Nữ công nhân khi bị QRTD thường chọn cách im lặng, không muốn chia sẻ vì mặc cảm, xấu hổ.
Họ không dám kể lại hành vi mình bị quấy rối để làm bằng chứng, sợ mất danh dự cá nhân, sợ bị trả thù, mất việc làm và không tin sẽ được bảo vệ nếu lên tiếng.
Rào cản chống QRTD còn xuất phát từ việc người chứng kiến hoặc biết về vụ việc QRTD có thái độ thờ ơ, bàng quan.
Lãnh đạo nhà máy và nhiều công nhân cho rằng, những hành vi đó chỉ là trêu đùa của những người đồng nghiệp thân thiết với nhau hoặc cho rằng có thể nhắc nhở để sửa chữa.
Ông Phạm Hải Bình nhấn mạnh, trong quá trình làm việc, gặp gỡ nhiều công nhân, hạn chế nhất chính là nhận diện về hành vi QRTD.
Ảnh hưởng khi bị QRTD
Nạn nhân thấy sợ hãi, mất tự tin (72%)
Lo lắng, phiền muộn (74,4%)
Chán nản với công việc (52,6%) và dần dẫn đến phá vỡ các mối quan hệ đồng nghiệp (49,8%)
Ảnh hưởng xấu tới chất lượng sản phẩm vì người bị quấy rối luôn phải lo đối phó; có thể dẫn đến bỏ việc (35,8%).
Ngoài ra, có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
(Theo ActionAid Việt Nam)
Rất nhiều thói quen trong sinh hoạt chúng ta đang "bình thường hóa" với nhau như trêu đùa, các nhận xét không phù hợp, một nhóm đàn ông nói chuyện tiếu lâm thô tục khi có mặt phụ nữ.... là hành vi QRTD.
Theo ông Phạm Hải Bình, thực tế, hệ thống pháp luật đã có những quy định cụ thể về vấn nạn này.
Cụ thể, Bộ luật Lao động quy định nghiêm cấm hành vi QRTD tại nơi làm việc 2012, Dự thảo Nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bảo bình đẳng giới, quy định về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc 2020, Bộ LĐ-TB&XH.
"Cụ thể hơn chúng ta có hẳn Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc 2015 áp dụng cho mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, chế tài đưa vào phổ biến, thực hiện tại các doanh nghiệp còn là một hạn chế...", ông Phạm Hải Bình nói.