Bị mất ngón tay, người lao động được chi trả hơn 500.000 đồng mỗi tháng
(Dân trí) - Trong lúc vận hành máy, anh Thành không may bị tai nạn lao động (TNLĐ) do máy cắt một ngón tay trỏ. Gần 10 năm qua, anh Thành được bảo hiểm chi trả hơn 500.000 đồng mỗi tháng.
Bàn tay thiếu một ngón trỏ
Anh Nguyễn Chí Thành (SN 1982, quê Bến Tre) làm việc tại Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (quận Tân Phú, TPHCM). Năm 2013, trong lúc vận hành máy tại xưởng 4, anh bị máy cắt một ngón tay ở bàn tay trái. Sau 3 tháng điều trị, anh Thành được giám định tỷ lệ thương tật 34%.
"Với tỷ lệ thương tật 34%, tôi được nhận trợ cấp hơn 500.000 đồng/tháng từ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN). Tôi thấy chế độ của Bảo hiểm TNLĐ, BNN rất có ích cho công nhân chúng tôi. Ngoài ra, mọi chế độ về đau ốm, đi khám sức khỏe tại bệnh viện chúng tôi cũng được bảo hiểm chi trả", anh Thành cho hay.
Hiện tại, sức khỏe của anh Thành ổn định và được công ty chuyển đến làm việc tại xưởng sợi 1 và ở trong nhà lưu trú công nhân. Dù bị mất một ngón tay nhưng anh vẫn đáp ứng tốt yêu cầu công việc và có mức thu nhập tương đương với những công nhân bình thường khác.
Theo đại diện Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công, khoảng 5 năm trở lại đây, người lao động trong doanh nghiệp không may xảy ra TNLĐ, đều thuộc các trường hợp nhẹ như kim đâm vào tay hoặc va quyệt với máy móc… Theo quy định, nếu công ty có trường hợp công nhân TNLĐ thì được đi cấp cứu, sơ cứu và điều trị bệnh. Các khoản chi phí, tiền lương công nhân bị tai nạn lao động cũng được công ty chi trả.
Khi người lao động bị tai nạn đã ổn định về sức khỏe sẽ được công ty giới thiệu đi giám định y khoa. Sau đó, công ty hoàn thiện hồ sơ gửi lên cơ quan bảo hiểm để người lao động được nhận tiền chi trả từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Đẩy mạnh tuyên truyền về Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN
Ông Nguyễn Thanh Tùng chuyên viên phụ trách An toàn Vệ sinh lao công, Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cho biết, bảo hiểm TNLĐ, BNN đã hỗ trợ người lao động rất nhiều về các khoản chi phí. Trường hợp công nhân bị TNLĐ trên 31% được quỹ TNLĐ, BNN hỗ trợ hằng tháng. Bên cạnh đó, công ty cũng sắp xếp cho trường hợp này được làm công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Ngoài ra, công ty còn có Đội An toàn vệ sinh viên có khoảng 223 người được tập huấn và huấn luyện 2 năm/ lần. Nhiệm vụ chính của người phụ trách an toàn là kiểm tra tình hình an toàn, trước trong và sau sản xuất. Nhắc nhở mọi người các quy tắc về an toàn lao động. Trung bình mỗi tháng, công ty sinh hoạt công đoàn lồng ghép tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động.
Ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM - cho biết, các chính sách về bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm TNLĐ, BNN luôn được cơ quan bảo hiểm tuyên truyền đến người lao động và người sử dụng lao động. Việc chi trả bảo hiểm TNLĐ, BNN được thực hiện đúng trình tự theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và đa số người lao động không gặp khó khăn gì.
Riêng về vấn đề tuyên truyền các chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN của TP HCM có những đổi mới. Thay vì mở các lớp tập huấn đến người sử dụng lao động và người lao động, Bảo hiểm TP HCM phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại tổ chức đối thoại với chủ sử dụng lao động. Chương trình đối thoại này diễn ra hàng quý, mọi vấn đề doanh nghiệp chưa rõ, chưa hiểu sẽ đặt câu hỏi để Bảo hiểm xã hội để được hướng dẫn, trả lời.
Theo thông tin từ Bảo hiểm y tế TP HCM, năm 2020, công nhân lao động được chi trả bảo hiểm TNLĐ, BNN hàng tháng là 94 người. Số công nhân lao động được chi trả bảo hiểm TNLĐ, BNN một lần là 403 người. Năm 2021, công nhân lao động được chi trả bảo hiểm TNLĐ, BNN hàng tháng là 42 người, được chi trả một lần là 177 người.
Linh Sơn