Bi kịch từ những cuộc hôn nhân khiến con trẻ mất mạng
(Dân trí) - "Dì ghẻ" Quỳnh Trang đánh chết bé gái 8 tuổi là vụ án mạng gây chấn động. Phía sau cái chết đau đớn của nạn nhân là bi kịch hôn nhân mà đứa trẻ bị bỏ rơi bên lề.
Cái chết của bé V.A. trong vụ án "dì ghẻ" Nguyễn Võ Quỳnh Trang gây sửng sốt phần nào phản ánh về bức tranh về hôn nhân, gia đình hiện nay. Cùng với tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng lên, nền tảng gia đình mong manh, dễ tan vỡ hơn, những đứa trẻ cũng đối mặt nguy cơ cao hơn trở thành nạn nhân sau những bi kịch hôn nhân đi kèm sự thờ ơ của người lớn.
Bé V.A. - nạn nhân bị "dì ghẻ" Quỳnh Trang đánh chết, phải nói là từng có một cuộc sống như mơ. Sinh ra trong một gia đình được coi là danh giá, có điều kiện, bố mẹ thuộc giới trí thức học cao hiểu rộng, thành đạt. Bé sống ở khu cao cấp bậc nhất cả nước, học ở trường điểm hàng đầu TPHCM...
Nhưng rồi, sau biến cố hôn nhân đổ vỡ của bố mẹ, bé sống phải sống với bố và cô tình nhân trẻ của ông, bị tách khỏi mẹ và em, bị ngăn cản gặp những người thân yêu nhất. Không những mọi thứ tốt đẹp nhất đổ vỡ mà bé còn phải trải qua cuộc sống nơi địa ngục vượt quá sức tưởng tượng của lương tri con người. Những màn tra tấn kinh hoàng đó chỉ được biết đến khi bé đã mất mạng.
Bé V.A. chết vì đòn roi của "dì ghẻ" trút lên người và chết bởi sự thờ ơ từ chính người thân.
Không cần phải nhắc lại, ai quan tâm sự việc này đều rõ bé V.A. bị "dì ghẻ" Quỳnh Trang thản nhiên đánh đập ngày này qua ngày khác, giờ này sang giờ khác ngay trước mắt ông bố ruột Nguyễn Kim Trung Thái. Không chỉ vậy, người cha này còn nhiều lần tham gia đánh đập con, nhốt con vào chuồng chó, chửi mắng bé thậm tệ...
Bố ngay cạnh mà cô bé không thể bám víu, nương cậy!
Rồi nữa, đau tận cùng tâm can khi tính đến ngày qua đời là đã hơn một năm bé không được gặp mẹ đẻ dù vẫn sống cùng thành phố. Dù có đưa ra bao nhiêu lý do như vì ảnh hưởng của dịch bệnh, vì bị ngăn cấm... cũng không thể biện minh cho việc cả năm ròng bé gái không được gặp mẹ, mẹ bé không nắm được tình hình của con...
Bởi vậy mà khi sự việc này xảy ra, không phải không có lý khi nhiều người kêu gào phụ nữ phải "xù lông" lên, phải là hổ, là cọp, là thú dữ... nếu thật sự muốn bảo vệ con.
Với V.A, cô bé bị bố quay lưng cũng không thể bấu víu, mong chờ vào sự bảo vệ từ mẹ!
Bé không có ai bên cạnh, kể cả một điểm tựa tinh thần. Tiếng than khóc của bé trong các video bị bạo hành không chỉ vì đau đớn mà còn vì tuyệt vọng, cô độc.
Một ông bố ở bên cạnh hay một người mẹ không ở cạnh, nếu họ bảo vệ con theo cách này hay cách khác thì không một ai dễ dàng bắt nạt, hành hạ cháu bé đến chết như vậy.
Bi kịch của bé V.A. bắt đầu bằng hành động vô trách nhiệm của người bố đối với cuộc hôn nhân, con cái của mình. Khi đang có vợ, ông bố này cặp kè với người phụ nữ khác, đẩy gia đình đến đổ vỡ. Sau ly hôn, dù nhận nuôi con gái nhưng lại một lần nữa, người này đẩy con vào địa ngục.
Trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án vào ngày 28/4 vừa qua, Hội đồng xét xử (HĐXX) đặc biệt quan tâm đến khía cạnh bảo vệ đứa trẻ cũng như trách nhiệm của bố mẹ với con cái sau cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Sự việc được cho là điển hình phản ánh vấn nạn nhức nhối trong hôn nhân gia đình, khi người làm cha làm mẹ thản nhiên cặp kè, có mối quan hệ ngoài luồng với người thứ ba, dù chưa ly hôn. Còn các cô gái trong vai "tiểu tam" thật dễ dãi bước vào mối quan hệ với người đàn ông đã có gia đình. Lối sống này rõ ràng Thái hay Trang không phải là cá biệt...
Khi được HĐXX hỏi về việc ngăn cấm vợ cũ thăm con, bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái khai thời gian đầu sau ly hôn Thái là người chở bé V.A. đến thăm mẹ. Sau đó công việc bận rộn, đi làm từ sáng đến đêm nên Thái giao bé cho Trang nhưng vợ cũ yêu cầu phải đích thân Thái chở con đến thì mẹ bé mới gặp... Tại tòa, không bên nào bác bỏ lời khai này của Nguyễn Kim Trung Thái.
HĐXX cũng đề cập thông tin vì ghen tuông nên "tiểu tam" Quỳnh Trang vào Facebook của Thái xóa hết mọi thông tin về vợ cũ. Cô người tình và vợ cũ của Thái cũng từng có trận cãi vã, gây lộn nảy lửa...
HĐXX chua chát thốt lên, sau khi bố mẹ ly hôn, bé gái ấy đã không còn một ai, chỉ còn mỗi bố là điểm tựa. Nhưng người bố này lại quá nhẫn tâm, máu lạnh...
Phía ngoài cổng tòa hôm ấy, cụ bà Đặng Thị Lan, đã ngoài 70 tuổi, đóng cửa quán ăn, đến theo dõi phiên xét xử. Bà nói, cháu bé V.A. không chỉ chết trong đau đớn mà còn chết trong cô độc, không có lấy một ai để kể, để chia sẻ...
Những đứa trẻ phải gánh chịu bi kịch sau hôn nhân của bố mẹ, sự thờ ơ và hận thù của người lớn thực tế cũng không chỉ có bé V.A...