Bị đuổi việc vì đi vệ sinh nhiều lần trong kỳ kinh nguyệt
Một cô gái ở Trung Quốc bị sa thải bởi đi vệ sinh nhiều lần trong kỳ kinh nguyệt khiến dư luận tranh cãi dữ dội.
Mới đây, một cô gái tên Lâm, sống tại Quảng Châu, Trung Quốc bị công ty sa thải khi sắp hết thời gian thử việc. Nguyên nhân là bởi cô đi vệ sinh quá nhiều trong ngày. Dù đã giải thích rằng đó là thời kỳ kinh nguyệt của mình, cô phải vào nhà vệ sinh để thay băng và hay buồn vệ sinh nhưng công ty vẫn không thay đổi quyết định.
Bức xúc về việc này, cô Lâm gửi đơn lên cơ quan quản lý lao động. Phía lãnh đạo công ty cho rằng, cô Lâm không tích cực trong công việc, thường xuyên làm việc riêng trong giờ như trang điểm, nghe điện thoại. Còn phía cô Lâm lại khăng khăng vì mình đang trong thời kỳ tế nhị của phụ nữ nên mới đi lại nhiều. Câu chuyện này dấy lên luồng tranh luận dữ dội.
Tuy nhiên, từ sự việc của cô Lâm, người ta bắt đầu để ý tới câu chuyện kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Ở công sở, chuyện phụ nữ đến kỳ kinh rất ít được để ý mặc dù nó gây ra nhiều phiền toái. Mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau trong ngày này, chỉ có bản thân họ mới hiểu được. Và họ cần hơn ai hết sự thấu hiểu của cấp trên, đồng nghiệp.
Câu chuyện của cô Lâm khơi dậy sự đồng cảm của nhiều chị em đặc biệt những người đang làm việc văn phòng. Nhiều nhận định cho rằng, việc đi vệ sinh nhiều trong kỳ kinh nguyệt là phản ứng hết sức bình thường, thậm chí đó là triệu chứng nhẹ nhất mỗi khi chị em "đến tháng".
Dù là cô Lâm hay bất cứ ai cũng đều hi vọng sẽ được đối xử đặc biệt trong ngày này.
Trên thực tế, có một số quy định trong luật và quy định liên quan đối với các điều kiện đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt của nhân viên nữ. Ví dụ, trong "quy định về công tác chăm sóc sức khỏe của lao động nữ" có nội dung cho phép nhân viên nghỉ phép 1-2 ngày trong kỳ kinh nguyệt.
Điều khoản đặc biệt về bảo hộ lao động cho nhân viên nữ ở tỉnh An Huy cũng quy định rằng, nếu một nhân viên không thể đi làm do rong kinh hoặc đau bụng kinh và xin nghỉ thì cơ quan lao động phải bố trí cho người đó nghỉ ngơi từ 1 đến 2 ngày theo giấy xác nhận của cơ sở y tế.
Có thể thấy những cải tiến trong luật nêu trên là một sự tiến bộ. Tuy nhiên, quy trình cấp giấy xác nhận sức khỏe trong thời kỳ kinh nguyệt nếu không đơn giản thì sẽ gây lo lắng cho nhiều người trong việc xin nghỉ phép khi tới ngày "đèn đỏ".
Theo một báo cáo khảo sát mẫu về việc thực hiện Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích do Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc phát hành, 78,5% phụ nữ không được bảo vệ đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt.
Từ con số trên có thể đặt ra câu hỏi, phải chăng văn hóa công sở của chưa đủ hiểu và có sự chú ý đến vấn đề kinh nguyệt của phụ nữ? Kinh nguyệt là chức năng sinh lý không thể thay đổi của phụ nữ, cũng không phải là chuyện có thể khắc phục được. Vậy nên điều quan trọng là chúng ta nên có thái độ quan tâm, chăm sóc đầy đủ.
Tất nhiên việc chăm sóc này cũng sẽ gặp nhiều vướng mắc ví như chuyện phụ xấu hổ khi "đến kỳ", lo ngại tiết lộ chuyện riêng tư... Vì vậy càng cần hơn sự đồng thuận, xây dựng lại các mối quan hệ tin cậy, hòa nhập để cùng nhau nỗ lực hướng tới việc làm nhân văn hơn, nhất là đối với phụ nữ.