1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

BHXH tự nguyện: “Chỗ dựa” về già cho người dân tham gia

Khánh Hồng

(Dân trí) - Không có thu nhập ổn định, không muốn là gánh nặng của con cái khi về già… nhiều người dân đã lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng trợ cấp, có lương hưu, ổn định cuộc sống.

Lao động tự do vẫn có lương hưu

Được nhân viên của Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng tư vấn, anh Lê Văn Thọ (sinh 1980, trú đường Dũng Sĩ Thanh Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) hiểu được ý nghĩa của BHXH tự nguyện nên đã đăng ký tham gần một năm nay. Mức đóng tham gia BHXH tự nguyện mà anh Thọ lựa chọn là 500 ngàn đồng/tháng và một quý đóng một lần.

Anh Thọ cho biết, trước đây anh đi làm công ty và đã được đóng BHXH 4 năm. Tuy nhiên, sau đó anh nghỉ việc và chuyển qua chạy xe công nghệ. Anh Thọ tính rút sổ BHXH nhưng được nhân viên của Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng tư vấn nên anh Thọ tiếp tục đóng vào bằng cách tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH tự nguyện: “Chỗ dựa” về già cho người dân tham gia - 1

Nhân viên Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng tư vấn cho người dân về chính sách BHXH tự nguyện

“Trước đây, tôi cứ nghĩ những người đi làm ở cơ quan, công ty mới được tham gia BHXH. Sau khi được nhân viên bảo hiểm tư vấn, tôi mới biết những người lao động tự do như tôi hay bất kỳ ai cũng có thể tham gia BHXH tự nguyện. Hiểu được ý nghĩa của BHXH tự nguyện nên tôi đăng ký tham gia ngay vì không muốn sau này về già trở thành gánh nặng cho con cái”, anh Thọ nói.

Anh Thọ cho hay, chính sách BHXH tự nguyện tạo đã điều kiện thuận lợi cho người dân, nhiều người có thể tham gia. Theo đó, mức đóng của BHXH tự nguyện rất đa dạng, tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh của mỗi gia đình để tham gia. Phương thức đóng cũng linh hoạt, có thể đóng 1 tháng, 1 quý hoặc 1 năm, 5 năm…

“Từ khi tham gia BHXH tự nguyện, tôi thấy yên tâm hơn vì mình đã “chỗ dựa”. Hiện tôi đang tham gia mức đóng 500 ngàn đồng/tháng nhưng nếu sau này thu nhập khá hơn tôi cũng có thể tăng mức đóng lên”, anh Thọ chia sẻ.

Tương tự như anh Thọ, chị Nguyễn Thị Hường (sinh 1969, trú đường Dũng Sĩ Thanh Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cũng đã tham gia BHXH tự nguyện được 2 năm nay qua sự tư vấn của nhân viên Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng. Số tiền 540.000 đồng/tháng tham gia BHXH tự nguyện được chị Hường trích từ nguồn thu cho thuê phòng trọ.

Chị Hường cho biết, trước đây chị làm nghề giáo viên và đã đóng BHXH được 9 năm. Sau khi nghỉ việc ở nhà, chị Hường đã rút sổ BHXH để hưởng trợ cấp một lần.

Sau khi được nhân viên Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng tư vấn, chị Hường quyết định tham gia BHXH tự nguyện để có “chỗ dựa” khi về già. Chị Hường tiếc trước đó không biết đến chính sách BHXH tự nguyện để tham gia sớm hơn.

“Chính sách BHXH tự nguyện của Nhà nước tạo điều kiện cho mọi người đều có thể tham gia. Bây giờ tôi không có việc làm nhưng tham gia BHXH tự nguyện, khi về già tôi vẫn được nhận hương lưu. Đây không chỉ là chỗ dựa mà còn là niềm vui của tuổi già”, chị Hường vui vẻ chia sẻ.

Đẩy mạnh tuyên truyền đối thoại trực tiếp

Theo bà Lê Thị Sinh, Phụ trách Phòng truyền thông và phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng), BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng luôn thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta, góp phần thực hiện công bằng và bảo đảm an sinh xã hội.

Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu hằng tháng khi đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi đời; được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng, không phải đóng tiền nhưng vẫn được cấp thẻ BHYT với mức thanh toán đến 95% chi phí khám chữa bệnh khi chẳng may bị ốm đau, bệnh tật; nhân thân được nhận chế độ tử tuất, mai táng phí…

BHXH tự nguyện: “Chỗ dựa” về già cho người dân tham gia - 2

Từ khi đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, chị Nguyễn Thị Hường thấy yên tâm hơn vì đã có "chỗ dựa" khi về già

“Dưới góc độ tâm lý, tình cảm, hưởng lương hưu khi về già còn là niềm vui vì tự mình có thể trang trải cuộc sống, không phải phụ thuộc hay trở thành gánh nặng cho gia đình”, bà Sinh nói.

Đối với Nhà nước và xã hội, việc người dân chủ động tham gia BHXH tự nguyện cũng giảm bớt áp lực trong việc bảo đảm các chính sách an sinh xã hội về lâu dài, như hiện nay những người đến 80 tuổi không có lương hưu nhà nước phải trợ cấp xã hội hằng tháng, cấp thẻ BHYT…

Theo bà Sinh, để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng tiếp tục tăng cường công tác tham mưu, phối hợp, triển khai hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH từ thành phố đến quận huyện, trong đó, thống nhất giao chỉ tiêu cụ thể đến từng xã, phường, thôn, tổ dân phố. 

Ngoài các hình thức truyền thống như băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức hội nghị, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cũng sẽ triển khai và đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền đối thoại trực tiếp, trực tuyến trên Facebook, Cổng Thông tin điện tử,… để người dân hiểu rõ, hiểu đúng bản chất của BHXH.

“BHXH là chính sách của Nhà nước, do Nhà nước tổ chức thực hiện, BHXH là trụ cột chính, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quỹ BHXH được Nhà nước bảo trợ, không vì lợi nhuận. Cơ quan BHXH là cơ quan Nhà nước, không phải là công ty, doanh nghiệp kinh doanh như các loại hình bảo hiểm thương mại khác…”, bà Sinh nhấn mạnh.

Gần 6.500 người tham gia BHXH

Tại Đà Nẵng, tính đến ngày 30/9, có gần 6.500 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt hơn 51% kế hoạch giao của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tăng 1.788 người (tăng 38,27%) so với cùng kỳ năm trước.

Mục tiêu năm 2020, Đà Nẵng phấn đấu có khoảng 13.000 người tham gia BHXH tự nguyện và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Trước mắt, Đà Nẵng sẽ lựa chọn tuyên truyền, vận động 10 nhóm đối tượng, gồm: Người lao động đang tham gia BHXH nghỉ việc, người lao động tự do có thu nhập ổn định, người buôn bán, cán bộ không chuyên trách xã phường.