"Bếp trưởng" 13 tuổi đổ bánh xèo nuôi 2 em và ước mơ... đầy nước mắt
(Dân trí) - Ba mất sớm, mẹ bỏ đi, cô bé 13 tuổi Đồng Hà Anh trở thành chỗ dựa chính của 2 em chưa đầy 10 tuổi. Hằng ngày, nhờ sự hỗ trợ của ông bà nội, Hà Anh đứng chiên bánh xèo để kiếm tiền mưu sinh.
"Bếp trưởng" bất đắc dĩ khi mới 11 tuổi
Giữa trưa, cái nóng hầm hập của mấy bếp lò khiến Đồng Hà Anh (13 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM) phải liên tục lau mồ hôi chảy dài trên trán. Tay phải đổ bánh xèo, tay trái Hà Anh nghiêng chiếc chảo, xoay đều để vừa tránh để bánh bị khét, vừa đỡ bỏng tay.
Thỉnh thoảng, cơn gió lớn khiến ngọn lửa bùng lên, như muốn tạt thẳng vào mặt cô gái nhỏ - "đầu bếp" chính của quán bánh xèo, mới 13 tuổi đời.
"Thời gian đầu mới học làm bánh xèo, con chỉ đứng từ xa quan sát vì lửa rất nóng, nhưng thử được vài lần thì con quen tay, đổ một lượt vài chiếc luôn", cô bé cười, nói.
Mỗi ngày, quán mở cửa từ 13h đến 22h, có thể bán 170-200 chiếc bánh xèo. Mỗi chiếc bánh có giá 30-50.000 đồng. Vào ngày rằm, mùng 1 quán sẽ phát bánh xèo chay miễn phí. Khi ấy, Hà Anh đổ bánh không kịp nghỉ.
"Dù mệt nhưng con rất vui, vì được các cô chú, anh chị đến ủng hộ món bánh xèo của gia đình con", Hà Anh mừng rỡ.
Đứng cạnh Hà Anh là người em trai 10 tuổi và em gái 9 tuổi. Những nhân viên "nhí" này cũng phụ chị bưng bánh phục vụ thực khách. Đôi lúc khách đông hoặc thấy chị mệt, 2 em cũng trực tiếp vào bếp, phụ chị đổ bánh xèo.
Hà Anh cho biết, từ năm 11 tuổi, em đã đứng bếp, đổ bánh xèo để bán, phụ ông bà kiếm tiền nuôi em. Cô bé chùng giọng khi kể, ba đã mất khoảng 8 năm trước, còn mẹ vì hoàn cảnh khó khăn nên cũng đi biệt tăm sau đó.
Xa ba mẹ từ nhỏ, Hà Anh trở thành điểm tựa cho 2 em, sống tự lập và trở nên mạnh mẽ, trưởng thành hơn tuổi.
"Con mong các em được ăn no, ăn ngon"
Mồ côi, 3 đứa trẻ ở quê nhà Tiền Giang bám víu lấy nhau mà sống, nhờ đồng tiền trợ cấp từ ông bà nội ở TPHCM.
2 năm qua, bà Trương Thị Kim Nhị (bà nội) đón 3 chị em Hà Anh lên thành phố ở cùng để tiện chăm sóc. Mở quán bánh xèo hơn 10 năm, bà Nhị luôn cố gắng làm việc, gồng gánh để các cháu không thua thiệt bạn bè. Tuy vậy, giai đoạn Covid-19, bà Nhị ngỡ đã phải đóng cửa quán vì càng bán càng lỗ.
Gia cảnh rơi vào khó khăn, bà Nhị đành nuốt nước mắt, cho 3 cháu nghỉ học ở quê, gói ghém đồ đạc lên thành phố sống cùng bà. Lắm lúc, thấy những đứa trẻ khác có đầy đủ ba mẹ, được đến trường, mặc quần áo đẹp, bà Nhị lại ứa nước mắt vì thương cháu.
Cũng không ít lần bà nung nấu ý định cho các cháu đi học lại nhưng rồi mong muốn đó cũng đành tạm gác vì chưa đủ kinh phí.
Bà Nhị chia sẻ, có nhiều nhà hảo tâm ngỏ ý muốn tặng số tiền hàng trăm triệu đồng cho các cháu nhưng bà đều từ chối.
Bởi, mong muốn lớn nhất của bà chỉ là quán bánh xèo thu hút được nhiều thực khách, kiếm đủ tiền nuôi 3 cháu ăn học. Chăm chỉ làm lụng là cách bà dạy cho các cháu sự tự lực, mạnh mẽ vượt qua số phận, không để bản thân trở thành một người yếu thế chỉ biết trông chờ vào hỗ trợ của người khác.
"Nhìn mấy đứa cháu nheo nhóc, phải nghỉ học giữa chừng, tôi xót lắm. Dù có khó khăn thế nào, tôi cũng quyết tâm tiếp tục buôn bán, làm thêm để cho các cháu có tương lai tốt đẹp hơn", bà Nhị rưng rưng.
May mắn, 3 chị em Hà Anh ngay từ nhỏ đã thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, chưa từng đòi hỏi bất kỳ điều gì.
Lắm lúc, Hà Anh đứng đổ bánh xèo liên tục mấy tiếng. Mặc cho ông bà ra hiệu "thay ca", em vẫn cố gắng làm tiếp vì muốn phụ giúp ông bà nội đã lớn tuổi.
Vì nghỉ học nên Hà Anh không có nhiều bạn bè, thường chỉ với 2 em nhỏ.
Không ít lần, em thấy nhớ ba mẹ, nhớ bạn bè, thầy cô ở trường cũ. Nhưng Hà Anh tự nhủ bản thân phải thật mạnh mẽ, để trở thành điểm tựa cho các em.
Khi được hỏi về ước mơ sau này, Hà Anh lúng túng, gãi đầu, chưa mường tượng ra. Suy nghĩ một hồi lâu, em chỉ mỉm cười, nói gọn: "Con mong các em được ăn no, ăn ngon".
Năm học sau, 3 chị em Hà Anh sẽ được quay lại trường, tiếp tục việc học tập, thay đổi tương lai...