DMagazine

Bé trai nghi bị ép hút ma túy ở TPHCM: Nỗi đau từ người thân!

(Dân trí) - Hình ảnh bé trai nghi bị người tình của mẹ hành hạ, ép dùng ma túy một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ em bị bạo hành bởi chính người thân trong gia đình.

Hình ảnh bé trai nghi bị người tình của mẹ hành hạ, ép dùng ma túy một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ em bị bạo hành bởi chính người thân trong gia đình.

Những vụ bạo hành trẻ em rúng động dư luận

Ngày 24/3, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại hình ảnh bé trai khoảng hơn một tuổi bị người đàn ông có nhiều hình xăm dọa dẫm, ép sử dụng chất nghi là ma túy. Anh T., người lên tiếng nhận là cha ruột của bé trai trong clip cho biết người phụ nữ xuất hiện trong clip là vợ anh (mẹ ruột của đứa bé), còn người đàn ông hành hạ bé trai là người tình đang chung sống với mẹ đứa bé.

Bé trai nghi bị ép hút ma túy ở TPHCM: Nỗi đau từ người thân! - 1

Hình ảnh bé trai bị người đàn ông xâm trổ bạo hành gây phẫn nộ trên mạng xã hội (Ảnh cắt từ clip).

Sự việc được cho là xảy ra cách đây vài tháng tại một khu trọ ở huyện Hóc Môn (TPHCM), hiện Công an huyện Hóc Môn đang điều tra. Chỉ sau một ngày đăng tải, những hình ảnh này đã gây rúng động dư luận, hàng ngàn lượt người vào bình luận bày tỏ bức xúc về người đàn ông tàn nhẫn, người mẹ vô tâm.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, nhận định thông qua hình ảnh ban đầu được đăng tải trên mạng xã hội có thể thấy bé trai đang sống trong môi trường quá nguy hiểm. Nếu không can thiệp kịp thời, không ai biết điều gì tệ hơn có thể xảy ra.

Sự việc khiến nhiều người liên tưởng đến vụ án Nguyễn Trung Huyên dùng súng bắn đinh bắn 10 cây đinh vào đầu bé gái Đ.N.A. (3 tuổi) khiến cháu tử vong sau nhiều ngày đau đớn.

Vụ án xảy ra vào đầu năm 2022 tại Hà Nội có hoàn cảnh khá giống vụ việc vừa xảy ra. Kẻ bạo hành là người tình của mẹ ruột đứa trẻ, cùng sống như vợ chồng trong một căn phòng trọ.

Trước khi bắn đinh vào đầu dẫn đến cái chết cho cháu A., Huyên còn nhiều lần hành hạ cháu bằng cách lấy keo dán gỗ nhỏ vào mũi bé gái, cho bé uống thuốc diệt cỏ, bắt cháu nuốt đinh vít, đánh gãy tay cháu bé… Trước khi chết, đứa trẻ đã chịu quá nhiều đau đớn.

Một vụ án bạo hành trẻ em khác cũng gây phẫn nộ trong dư luận xã hội là vụ án bé V.A. bị vợ sắp cưới của cha ruột bạo hành đến chết xảy ra tại TPHCM. Cô bé V.A. chỉ mới 8 tuổi, sống cùng cha ruột là Nguyễn Kim Trung Thái và bạn gái của cha là Nguyễn Võ Quỳnh Trang.

Bé trai nghi bị ép hút ma túy ở TPHCM: Nỗi đau từ người thân! - 2

Vụ án Nguyễn Võ Quỳnh Trang hành hạ bé V.A. đến chết từng gây xôn xao dư luận tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Thái giao cho Trang chăm sóc V.A. nhưng Trang lấy cớ cháu học không tốt rồi đánh đập, tra tấn cháu bé. Trang còn có hành vi sỉ nhục cháu như bắt V.A. cởi hết quần áo rồi nhốt vào chuồng chó… Đỉnh điểm là ngày 22/12/2021, Trang đánh đập V.A. nhiều giờ khiến cháu bé tử vong.

Ngày 25/11/2022, khi TAND TPHCM tuyên án tử hình bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang, cả ngàn người dân tụ tập về đây theo dõi bản án đã hò reo ủng hộ cho bản án thích đáng, đúng người đúng tội. Thế nhưng, bé V.A. cũng không thể sống lại.

Cứ 10 vụ bạo hành trẻ em thì 8 vụ là do người thân làm

Trong vụ việc bé trai nghi bị người tình của mẹ hành hạ vừa xảy ra tại Hóc Môn, hình ảnh clip ghi nhận hành vi này có sự chứng kiến của một bé gái và người phụ nữ dùng điện thoại ghi hình.

Người nhận là cha ruột của bé gái cho biết clip này được lấy từ điện thoại của mẹ bé. Điều đó cho thấy, người mẹ có thể biết rõ sự việc này. Đứa trẻ đã không được mẹ ruột, người thân gần gũi nhất của mình bảo vệ.

Bé trai nghi bị ép hút ma túy ở TPHCM: Nỗi đau từ người thân! - 3

Hình ảnh nghi là bé trai bị ép dùng ma túy (Ảnh cắt từ clip.

Điểm lại những vụ bạo hành trẻ em rúng động dư luận xảy ra gần đây có thể nhận ra hình mẫu chung: người bạo hành các em là người tình của mẹ ruột, vợ sắp cưới của cha ruột…

Khi các em bị bạo hành dã man, có thể những người mẹ ruột, cha ruột ấy đều tận mắt chứng kiến. Họ đều là những người thân thuộc nhất, những người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, hy sinh vì các em vô điều kiện. Thế nhưng, điều đó đã không xảy ra.

Theo báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), trong năm 2022, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được chính quyền các cấp đẩy mạnh, xây dựng môi trường sống an toàn để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em.

Thế nhưng, trong báo cáo này, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá hiện nay vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực trẻ em và đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thống kê 9 tháng đầu năm 2022, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận trên 368.000 cuộc gọi đến, trong số đó có gần 27.800 cuộc gọi tư vấn và 1.561 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em (tăng 304 ca so với cùng kỳ năm trước).

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn quốc phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em với số nạn nhân là 1.806 trẻ em. Trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ 82,2%, tăng 3,41% so với cùng kỳ năm 2021.

82,2% chỉ là con số vô cảm. Nhưng hãy tưởng tượng, cứ 10 vụ trẻ em bị đánh đập, hành hạ thì có đến 8 vụ là do người thân của các em ra tay thì có thể thấy con số này phản ánh một thực trạng rất đau lòng.

Bé trai nghi bị ép hút ma túy ở TPHCM: Nỗi đau từ người thân! - 4

Hơn 80% vụ án bạo hành trẻ em là do người thân của trẻ gây ra tại nơi ở của trẻ như vụ bé V.A. bị vợ sắp cưới của cha ruột hành hạ đến chết (Ảnh: Công an cung cấp).

Trả lời Dân trí về vụ việc bé trai vừa xảy ra ở Hóc Môn, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết, những vụ việc bạo hành trẻ em đã có quy trình xử lý rõ ràng. Đầu tiên, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em sẽ xuống địa bàn, trực tiếp đánh giá tình hình xem cháu bé bị tổn thương ra sao, từ đó mới đề ra phương án xử lý thế nào là tốt nhất cho trẻ. Theo ông, xử lý những vụ việc như thế này, hỗ trợ trẻ là quan trọng nhất.

Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội

Ngày 25/3, Công an huyện Hóc Môn cho biết đã đến địa điểm xảy ra vụ bạo hành bé trai như thông tin trên mạng lan truyền để điều tra. Tuy nhiên, người sinh sống ở đây đều không biết có vụ việc này, không ai để ý đến.

Theo người nhận là cha ruột đứa trẻ, vụ việc đã xảy ra cách đây 5 tháng nhưng sau này anh lấy được điện thoại của vợ mới phát hiện clip ghi lại hình ảnh này.

Điều đó cho thấy, hàng xóm xung quanh không hề để ý đến đứa bé ở trong căn phòng trọ nhỏ nhiều lần bị người đàn ông xăm trổ, bặm trợn hành hạ.

Bé trai nghi bị ép hút ma túy ở TPHCM: Nỗi đau từ người thân! - 5

Một bé gái bị người thân bạo hành trong phòng trọ ở Đồng Nai, may mắn được hàng xóm trình báo và công an phá cửa phòng trọ vào giải cứu (Ảnh: P.T.).

Nhắc lại vụ án bé V.A. bị người tình của cha hành hạ đến chết. Khi bé V.A. tử vong, nhiều hàng xóm tự trách vì họ từng nghe thấy điều bất thường phát ra từ căn hộ mà bé sinh sống nhưng không để ý. Nếu hàng xóm tìm hiểu kỹ đã có thể kịp thời phát hiện, can thiệp hoặc trình báo cơ quan bảo vệ trẻ em can thiệp thì có lẽ hậu quả đau lòng đã không xảy ra.

Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đang vận hành Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoạt động rất hiệu quả, có mạng lưới và cơ chế phối hợp để giải quyết ngay các vụ việc gây hại cho trẻ em. Điều quan trọng là cần cả xã hội quan tâm, trình báo ngay cho cơ quan chức năng can thiệp kịp thời.

Trong hàng loạt ca can thiệp nổi bật của Tổng đài 111 có những vụ việc rất nghiêm trọng, những người thân gần gũi nhất của trẻ biết mà không nói, phải đến khi hàng xóm phát hiện, gọi đến Tổng đài 111 thì đứa trẻ mới được giải cứu, hỗ trợ.

Như vụ án xảy ra ở một huyện ngoại thành của Hà Nội vào năm 2021, cháu V.Y.N. (sinh năm 2006) bị bạn trai của mẹ xâm hại tình dục dẫn đến mang thai. Cháu được người bác đưa đến bệnh viện phá thai.

Điều đó cho thấy nhiều người trong gia đình biết chuyện nhưng không ai trình báo vì mẹ của bé sợ mang tiếng. Phải đến khi hàng xóm biết chuyện, gọi lên Tổng đài 111 thì cơ quan chức năng mới biết để can thiệp.

Bé trai nghi bị ép hút ma túy ở TPHCM: Nỗi đau từ người thân! - 6

Cả xã hội cần lên tiếng tố cáo những vụ việc bạo hành trẻ em để những điều đau lòng không còn xảy ra (Ảnh minh họa: Hải Long).

Bộ LĐ-TB&XH nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em vẫn còn diễn ra phức tạp. Một trong số đó là nhận thức của gia đình và xã hội, thờ ơ với hành vi gây nguy hại cho trẻ em, không quan tâm đến các dấu hiệu trẻ có nguy cơ bị bạo hành, không kịp thời can thiệp hoặc trình báo cơ quan chức năng can thiệp.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, một trong những giải pháp quan trọng nhất để hạn chế những vụ việc đau lòng như trên xảy ra là phải hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho trẻ em biết tự bảo vệ mình.

Nhưng với những trẻ nhỏ chưa có khả năng tự bảo vệ mình, cả xã hội phải chung tay, biết đặt ra nghi vấn khi thấy các hiện tượng lạ để kịp thời phát hiện, khi phát hiện thì có trách nhiệm lên tiếng tố cáo.

Tùng Nguyên