Anh lính thông tin dùng răng cắn cáp, giữ liên lạc cho tiền tuyến
(Dân trí) - Trong thời khắc "ngàn cân treo sợi tóc", ông Hoan kéo căng hai đầu dây cáp đứt rồi đưa vào miệng cắn chặt. Nhờ đó, đường truyền liên lạc chỉ huy trận đánh Quảng Trị năm 1972 được thông suốt.
Xã Vũ Bản (Bình Lục, Hà Nam) những ngày tháng 7, khi cả nước hướng về nguồn trong dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Trần Duy Hoan kể chuyện chiến trường 50 năm trước. Khi đó, anh lính thông tin trẻ măng đã cắn cáp, nối dây để đảm bảo huyết mạch thông tin chỉ huy trận đánh Quảng Trị năm 1972.
Năm lần, bảy lượt xin nhập ngũ
Ở tuổi 82, ông Hoan vẫn giữ được nét nhạy bén của người lính thông tin. Hàng ngày ông vẫn lao động mưu sinh và tích cực tham gia những việc không tên tại địa phương.
Đã nửa thế kỷ có lẻ nhưng dư âm về những ngày mưa bom, bão đạn vẫn luôn hiển hiện với người lính thông tin Trần Duy Hoan.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam, tuổi thơ của ông là ký ức đau buồn vì chiến tranh, loạn lạc. Năm ông lên 9, cả bố và mẹ đều bị giặc Pháp sát hại. Đứa trẻ mồ côi năm ấy nung nấu quyết tâm lớn lên đi bộ đội, đánh giặc trả thù nước nợ nhà.
Tháng 2/1968, ông Hoan xung phong lên đường nhập ngũ. Ấy vậy mà cả 3 lần được gọi lên xét tuyển ông đều phải ngậm ngùi ra về vì cân nặng không đủ. Khi đó, cậu thanh niên Trần Duy Hoan chỉ nặng 37kg.
Đến lần thứ 4 đi xét tuyển, ông nhanh trí nhờ một người khác đứng lên cân hộ, nhờ đó mà vượt qua hết các vòng kiểm tra để nhập ngũ khi vừa tròn 23 tuổi.
"Đến giờ tôi vẫn biết ơn anh bạn cùng xã năm đó, nếu không có anh ấy đứng lên cân hộ mới may mắn "lọt", nếu không chắc tôi không thể nào trở thành một người lính", ông Hoan nhớ lại.
Năm đó, ông Hoan được phân vị trí công tác tại Trung đoàn Thông tin 134 (nay là Lữ đoàn 134) thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc (Bộ Quốc phòng).
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị diễn ra từ 28/6 tới 16/9/1972 là một trong những biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.
Hơn 4.000 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và nằm lại nơi Thành cổ. 81 ngày đêm "hoa lửa" oanh liệt đã góp phần quan trọng đánh bại những cố gắng cao nhất của Mỹ - Ngụy, tác động trực tiếp đến việc đàm phán tại Hội nghị Paris.
Hồi đó, thông tin liên lạc luôn là mục tiêu hàng đầu bị địch đánh phá. Do vậy, những người lính như ông Hoan thường xuyên phải luyện tập, khắc phục sự cố đường dây, rèn luyện kỹ thuật rải dây nhanh qua mọi địa hình, ghim chắc và dò sóng liên lạc vô tuyến điện tốt nhất.
Ông ví von, lính thông tin thời chống Mỹ không khác gì phóng viên chiến trường. Nơi nào khốc liệt nhất, nguy hiểm nhất, ở đó có người lính thông tin.
"Là người lính thông tin, chúng tôi luôn coi đường dây như là ruột của mình, cột xà như xương sống, cuộn dây cái kìm là vũ khí. Mưa bom, bão đạn lính thông tin vẫn tiến lên phía trước, phá rất nhiều bom mìn của địch trút xuống", ông Hoan hồ hởi.
Sau thời gian ở chiến trường Lào, ông cùng đồng đội được phân công nhiệm vụ tại Quảng Trị. Chốt thông tin liên lạc đơn vị ông Hoan nằm bên bờ sông Thạch Hãn, đầu bên kia là thị xã Quảng Trị.
"Thông tin liên lạc ngày đó khác xa bây giờ. Giờ các nhà đài thông tin dùng dây và máy lên tới cả trăm kênh còn khi đó máy liên lạc chỉ có 12 kênh, mỗi lần đàm thoại chỉ có thể phục vụ 24 người nói chuyện, ngoài Hà Nội 12 người và trong Quảng Trị 12 người nữa", ông Hoan cho biết, dây điện thông tin chủ yếu là dây cáp, dây trần và dây bọc.
Dây cáp thông tin chỉ bằng ngón chân cái mà địch liên tiếp trút bom từ trường để cắt đứt liên lạc chỉ huy chiến trường. Đây là loại bom cứ gặp sắt là nổ. Đường dây bị phá hoại, muốn khôi phục chỉ còn cách dùng dây bọc dã chiến để nối lại, có đoạn chỉ 2m mà hơn chục mối nối.
"Đấu" lại những vũ khí tối tân của địch, ông Trần Duy Hoan và các đồng đội trong Trung đoàn Thông tin 134 ngày đêm kiên cường bám giếng bom, hố pháo chưa khi nào để thông tin liên lạc bị đứt quá nửa giờ đồng hồ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nối sợi dây bằng cả cuộc đời
Kể về đời lính thông tin, ông Hoan vẫn nhớ như in lần dùng răng nối dây thông tin giúp truyền được một mệnh lệnh quan trọng. Đó là ngày cuối cùng của chiến dịch 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị.
Hôm đó là đợt oanh tạc cuối cùng của địch. Trên bầu trời bom đạn rải dày đặc như vãi trấu. Cây cáp viễn thông bên bờ sông Thạch Hãn bị đứt thành chục đoạn, nối được đoạn này lại đứt đoạn khác. Phút cuối, ông Hoan cố gắng nối dây thông tin mà không được do dây quá ngắn.
"Đầu này vừa nối xong địch đã ném bom đứt đầu kia. Có đoạn nhiều mối nối quá, hết dây dự phòng, tôi kéo căng hai đầu dây nhưng không tới trong khi chỉ ít phút nữa là cần thông tuyến đường truyền.
Lúc đó, cấp bách quá, tôi ghì hai đầu dây lại, cắn chặt bằng răng để nối liền hai đầu cáp. Đúng lúc, Ban chỉ huy từ Hà Nội điện vào. Dòng điện truyền qua người, tay tôi co rúm lại, hàm răng khi đó càng nghiến chặt hơn.
Khoảng 5 phút sau, tôi tê tái cả người vì điện giật, nằm vật ra đất nửa tiếng sau mới hồi lại. Mừng là hành động táo bạo của tôi lại phát huy hiệu quả", ông Hoan nhớ lại.
Năm phút can trường của người lính thông tin góp phần không nhỏ vào chiến thắng cuối cùng trong chiến dịch xuân hè năm 1972. Sau đó, ông được cấp trên tuyên dương toàn mặt trận.
Ông Hoan kể, khi được cấp trên hỏi "bom đạn ác liệt thế đồng chí có sợ hy sinh không?", ông đáp: "Báo cáo Thủ trưởng, kho đó em nối một mối dây bằng cả cuộc đời em".
"Giai đoạn cuộc chiến khốc liệt nhất, người lính thông tin trên chiến trường có thể hy sinh bất kỳ lúc nào nhưng luôn sẵn sàng bởi đường dây liên lạc rất quan trọng. Đường dây bị gián đoạn có thể phải đánh đổi bằng sinh mệnh của nhiều đồng chí, đồng đội.
Chúng tôi giữ cho thông tin liên lạc không bị gián đoạn thì khi máy bay Mỹ đến, toàn quân sớm nhận lệnh, biết đường trú ẩn, tránh tiêu hao sinh lực", ông Hoan quả quyết, đây là trách nhiệm không thể thoái thác, chậm là đồng đội thêm đổ máu.
Chiến dịch 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị kết thúc, ông Hoan ra Bắc, thi đỗ vào Học viện Quân sự. Tốt nghiệp, ông giữ chức Đại đội trưởng thông tin cho mạng lưới thông tin tại Hà Nội, Hà Tây (cũ) và Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc). Năm 1973, ông vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 29 tuổi.
Trở về cuộc sống đời thường, ông Hoan vẫn đau đáu trong lòng khi chưa thể tìm và đưa 2 đồng đội trở về. Vào một đêm tháng 12/1972, Mỹ rải bom B52 ác nghiệt, hai người lính trong Trung đoàn Thông tin đang làm nhiệm vụ bị vùi lấp.
Ông Hoan hô hào hai pháo binh gần đó đào bới nhưng khi đưa lên, đồng đội đã hy sinh. Cố nén nỗi đau, ông và đồng đội dùng 2 ván cửa dựng thành mộ, chôn cất người hy sinh gần bờ suối. Vài năm sau trở lại, phần mộ đã bị nước lũ cuốn trôi.
"Hồi đó, chúng tôi luôn xem nhau như anh em cùng nhà. Nếu đồng đội mệt tôi sẽ đi làm nhiệm vụ thay, không nề hà đêm hôm. Chúng tôi giúp nhau, cứu nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi.
Chính tay tôi chôn cất đồng đội mình nhưng giờ không tìm thấy để đưa các anh trở về. Đó là điều tôi trăn trở nhất mỗi khi nhớ lại", ông Hoan tâm sự.