"Ác mộng" một tháng nhận thiệp mời 4 đám cưới, hết nửa tháng lương

Loan Tô

(Dân trí) - Một tháng nhận liên tiếp 4 chiếc thiệp cưới khiến dân văn phòng trẻ cảm thấy vô cùng áp lực, đặc biệt là phải tốn một nửa tiền lương cho những bữa "cơm bụi giá chát" này.

Liên tục được mời cưới

Anh Luân Nguyễn (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM) chia sẻ, trong tháng 6 vừa qua, anh đã dự 4 buổi tiệc cưới của đồng nghiệp, chưa kể còn 2 lễ cưới đã nhận thiệp mời vào tháng 8. 

Nếu tháng nào có hơn 2 đám cưới cần phải dự, anh Luân buộc lòng nhờ bố mẹ gửi đồ ăn ở quê lên TPHCM hay nhờ trợ cấp tiền thuê nhà. Mức tiền mừng cưới chung ở TPHCM anh đang áp dụng khoảng 1 triệu đồng cho các mối quan hệ xã giao. Đối với thu nhập của anh thì mức này khá cao nhưng không thể bỏ phong bì thấp hơn vì đồng nghiệp, bạn bè dự tiệc đều mừng ở mức này hoặc hơn.

"Mình ra trường được 2 năm, vẫn đang tình trạng tìm một công việc phù hợp với năng lực và sở thích nên chỉ có mức lương 8 triệu đồng/ tháng. Số tiền này khiến việc chi trả sinh hoạt hằng ngày còn tằn tiện thế nhưng tiền mừng cưới đã ngốn hết phân nửa", Luân nói.

Ác mộng một tháng nhận thiệp mời 4 đám cưới, hết nửa tháng lương - 1

Những buổi tiệc cưới khiến nhiều dân văn phòng trẻ áp lực vì tốn nhiều chi phí (Ảnh: Minh Hòa).

Hiện nay, dân văn phòng thường thuộc thế hệ Gen Y và Gen Z, ở độ tuổi từ 20 đến ngoài 30 tuổi, đây là độ tuổi "vàng" để kết hôn. Vì vậy việc được mời tham dự lễ cưới là điều dễ hiểu.

Thế nhưng, đối với những dân văn phòng trẻ mới gia nhập thị trường lao động, công việc chưa ổn định, mức lương không cao, cộng thêm tình trạng suy thoái kinh tế đang diễn ra, thì việc nhận được thiệp mời dự tiệc cưới của đồng nghiệp, cấp trên là một áp lực vô cùng lớn.

Anh Hoài Lâm (26 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM) tâm sự, từ tháng 5 đến hiện tại anh đều trong trạng thái căng thẳng. Tình hình khủng hoảng kinh tế, tìm việc khó khăn khiến dân văn phòng áp lực trước các khoản phí sinh hoạt khổng lồ tại thành phố.

Nếu mỗi tháng được mời 1-2 đám cưới từ đồng nghiệp, bạn bè thôi thì anh Lâm buộc cắt hết các nhu cầu khác của cá nhân như du lịch nghỉ ngơi, mua sắm, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…

"Chưa kể, nếu là đám cưới của nhân viên cấp dưới hoặc bạn thân thì mức tiền mừng sẽ dày thêm chút ít, thậm chí gấp đôi, gấp ba. Mặc dù là chuyện vui, nhưng trong tình cảnh cần phải siết chặt tài chính thì mình vẫn xen lẫn nỗi buồn", anh Lâm nói thêm.

Ác mộng một tháng nhận thiệp mời 4 đám cưới, hết nửa tháng lương - 2

Hoài Lâm cho biết anh phải cắt giảm các sở thích các nhân nếu tháng nào được mời trên 2 buổi đám cưới đồng nghiệp (Ảnh: NVCC).

Các chi phí nằm ngoài phong bì mừng cưới

Đối với hội chị em, ngoài nỗi sợ tiền mừng còn là các khoản lặt vặt xung quanh như trang điểm, làm tóc, đầm váy, giày cao gót… Dễ hiểu, bởi một phần tiệc cưới là dịp trọng đại, họ thường ăn diện lộng lẫy, khác với trang phục thường ngày.

Chị Thanh Thanh (27 tuổi, nhân viên chăm sóc khách hàng tại TPHCM) chia sẻ mỗi lần tham dự đám cưới, chị đều mất phí quần áo từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tiền trang điểm 400.000 đồng, làm móng 400.000 đồng.

"Chưa kể các phí như  phụ kiện tóc, dây chuyền, hoa tai… cho hợp với trang phục. Tiền mừng cưới 1 triệu nhưng thêm tiền 'chỉn chu' nữa thì mỗi lần đi đám cưới tốn gần đến 3 triệu. Vì vậy, một tháng dự 1 đám cưới mình đã sợ, tháng nào 2-3 đám cưới thì thực sự ác mộng", chị Thanh nói.

Ác mộng một tháng nhận thiệp mời 4 đám cưới, hết nửa tháng lương - 3

Ngoài tiền mừng cưới, nhiều người áp lực trước tiền trang phục, làm tóc, trang điểm... (Ảnh: Minh Hòa).

Chị Uyên Nhi (25 tuổi, nhân viên sản xuất nội dung tại TPHCM) giải thích lí do phụ nữ chi nhiều tiền dự đám cưới hơn đàn ông là vì không thích mặc lại một chiếc đầm gặp mọi người, chụp hình hoài sẽ ngại nên có xu hướng sắm đồ mới. 

Nhưng khách quan, hiện nay có rất nhiều đám cưới được cô dâu chú rể quy định trang phục, buộc phải mua mới để đúng tông màu, phong cách. Chưa kể tùy địa điểm tổ chức tiệc cưới, có người thực hiện ở bãi biển, núi rừng, ví dụ ở Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt… thì khách mời phải tốn thêm chi phí chỗ ở lẫn di chuyển.

Ác mộng một tháng nhận thiệp mời 4 đám cưới, hết nửa tháng lương - 4

Uyên Nhi chia sẻ hiện nay các đám cưới còn có xu hướng tổ chức nơi xa khiến tốn thêm tiền di chuyển, ăn ở... (Ảnh: NVCC).

Làm thế nào để giảm bớt "áp lực mời cưới"?

Chị Hạ Trân (25 tuổi, chuyên viên truyền thông tại TPHCM) tiết lộ đối với các mối quan hệ không quá thân thiết, chị chọn cách nhờ người quen gửi tiền mừng. Ví dụ có mặt cùng ăn tiệc thì phải bỏ phong bì từ 700.000 đến 1 triệu đồng, vắng mặt giúp chị thể gửi tiền mừng thấp hơn, khoảng 500.000 đồng.

"Như vậy vừa tiết kiệm chi phí dự tiệc nếu bản thân đang gặp khó khăn kinh tế, vừa gửi được lời chúc mừng để dĩ hòa mối quan hệ", chị Hạ Trân nói.

Ác mộng một tháng nhận thiệp mời 4 đám cưới, hết nửa tháng lương - 5

Để giảm bớt áp lực mời cưới, dân văn phòng nên chọn lọc mối quan hệ để tham dự, đồng thời xem nó là một khoản quỹ có thể lấy lại vào dịp trọng đại của mình (Ảnh: Minh Hòa).

Ngoài ra, để giảm bớt áp lực cho bản thân, chị Trân chia sẻ nên đặt tâm lý đây là một khoản quỹ. Sau này vào dịp đặc biệt hoặc lễ cưới của bạn thân, mỗi người đều có thể thu hồi chúng. Số tiền mừng này ngoài dùng trả các chi phí tổ chức lễ cưới, đôi khi còn trở thành vốn kinh doanh, đầu tư.

"Mình thấy độ tuổi này nhận nhiều lời mời cưới là chuyện bình thường, thật ra thì cô dâu chú rể cũng phải quý mến mình mới gửi thiệp mời. Dù gì cũng đã tốn tiền mừng, mình nên nghĩ tích cực thì đỡ cảm giác 'xót ví'. Đồng thời nên chọn lọc chứ đừng nhận thiệp mời cưới là có mặt đều đặn", Uyên Nhi chia sẻ thêm.