800 triệu đồng mỗi lần phẫu thuật và sự đánh đổi của người chuyển giới
(Dân trí) - Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách của dự án Luật Chuyển đổi giới tính, cơ quan soạn thảo nêu nhiều thực trạng về vấn đề chuyển đổi giới tính tại Việt Nam.
Sang Thái hoặc phẫu thuật "chui" trong nước
Theo báo cáo đánh giá tác động trong dự luật Chuyển đổi giới tính, từ 1/01/2017, Việt Nam đã cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, tuy nhiên cá nhân nào được thực hiện chuyển đổi giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào được phép thực hiện chuyển đổi giới tính, quy trình chuyển đổi giới tính như thế nào, thủ tục công nhận người chuyển đổi giới tính để thay đổi giấy tờ hộ tịch… thì chưa được quy định cụ thể.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) năm 2019: Hầu hết nghiên cứu với các nhóm dân số chuyển giới ở Việt Nam đều cho thấy họ ít được tiếp cận đến với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các dịch vụ y tế dành riêng cho người chuyển giới và không tìm được các thông tin hỗ trợ tư vấn từ các nguồn có uy tín như các bệnh viện, cơ sở y tế lớn.
Ngoài ra, việc tiếp cận đến tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người chuyển giới còn hạn chế. Nhiều người chuyển giới đã và đang trải nghiệm các vấn đề sức khỏe tâm thần, ví dụ trầm cảm, căng thẳng, mất ngủ, rối loạn lo âu kéo dài
Theo cơ quan soạn thảo, chi phí một quy trình hoàn chỉnh cho việc chuyển giới tại một bệnh viện uy tín tại Thái Lan (bao gồm phẫu thuật chuyển đổi giới tính và hỗ trợ tư vấn) cho chuyển đổi từ nữ sang nam dao động trong khoảng từ 30.000 USD (khoảng 700 triệu đồng), trong đó phẫu thuật cắt ngực từ 3.000-5.000USD.
Với việc chuyển đổi giới tính từ nam, sang nữ, chi phí đắt hơn lên đến 35.000 USD (tương đương 800 triệu đồng), trong đó bơm ngực mất khoảng 5.000 USD.
Theo điều tra của Viện được thực hiện vào năm 2017 của Viện nghiên cứu Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) 59,6% người chuyển giới hiện đang dùng hóc môn (nội tiết tố) chưa từng nhận được xét nghiệm và tư vấn trước khi bắt đầu sử dụng.
Có rất nhiều người chuyển giới lựa chọn tự tiêm hóc môn tại nhà hoặc với sự hỗ trợ của bạn bè hay người quen mà không phải là bác sỹ, điều dưỡng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Những nguy hiểm chưa thể thống kê
Theo báo cáo đề dẫn, hiện người chuyển giới tại Việt Nam không được tư vấn, đánh giá, chuẩn bị về mặt tâm lý trước khi quyết định chuyển đổi giới tính.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm SCDI năm 2019, trong số 40 người chuyển giới tham gia khảo sát, chỉ có 16,7% người tham gia đã từng nhận được tư vấn tâm lý từ các chuyên gia, còn lại hầu hết người chuyển giới đều chưa được tiếp cận với việc tư vấn, đánh giá tâm lý từ các chuyên gia tâm lý trước và sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Hầu hết người chuyển giới cảm thấy không cảm thấy tự tin với cơ thể, sống chung với tâm trạng thất vọng, bức bối giới, trầm cảm kéo dài… Họ thường tự chịu đựng hoặc tự giải quyết vấn đề của mình hoặc chỉ chia sẻ với những bạn bè cùng là người chuyển giới khác.
Việc không được tư vấn, hỗ trợ tâm lý và sử dụng hóc môn trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, phẫu thuật chuyển giới tại các cơ sở y tế không hợp pháp dẫn đến những hậu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần thậm chí là tính mạng của người chuyển giới.
Theo Trung tâm ICS, trung bình mỗi năm tại TPHCM, có khoảng 24-30 người chuyển giới gặp các biến chứng hậu phẫu và phải quay ngược lại Thái Lan để thăm khám, và khoảng 8-10 người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hóc môn, tiêm silicon... và còn rất nhiều những nguy hiểm khác chưa thể thống kê vì số lượng người chuyển giới sử dụng các dịch vụ y tế hỗ trợ quá ít.
Theo báo cáo, kể từ khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực đến nay, có một lượng lớn người chuyển giới đã thực hiện các can thiệp y học để chuyển giới tính như điều trị hóc môn, phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục tại các cơ sở y tế ở nước ngoài hay tại các cơ sở y tế chưa được phép tại Việt Nam.
"Những người đã chuyển đổi giới tính tại Việt Nam hiện nay đang gặp trở ngại, khó khăn rất lớn trong sinh hoạt, lao động, học tập liên quan đến sự không thống nhất giữa ngoại hình và các giấy tờ tùy thân", báo cáo nêu rõ.
Hầu hết người chuyển giới cho biết họ gặp khó khăn trong việc sử dụng nhà vệ sinh công cộng, trong bối cảnh nhà vệ sinh trung tính chưa phổ biến ở Việt Nam, nhiều người chuyển giới bị từ chối khi sử dụng bất kể phòng vệ sinh nam hay phòng vệ sinh nữ.