1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bình Định:

50 năm ngày các nữ chiến sĩ cách mạng trở về từ "địa ngục trần gian"

Doãn Công

(Dân trí) - Chiều 13/10, tỉnh Bình Định tổ chức gặp mặt 390 cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài, nhân kỷ niệm 50 năm ngày trở về của các nữ chiến sĩ cách mạng từng bị giam giữ tại đây (1973-2023).

50 năm ngày các nữ chiến sĩ cách mạng trở về từ địa ngục trần gian - 1

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cùng lãnh đạo tỉnh Bình Định dâng hương tại tượng đài nữ tù binh Trại giam Phú Tài để tưởng nhớ công lao của các nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung (Ảnh: Bình Định).

Trại giam Phú Tài hoạt động từ tháng 6/1967 đến tháng 5/1972 do Mỹ - ngụy lập ra để giam giữ, tra tấn gần 1.000 nữ chiến sĩ cách mạng, được đưa từ các trại giam trên khắp miền Nam về.

Trại giam này chủ yếu giam giữ các nữ tù binh tuổi đời rất trẻ, từ 17 đến 22 tuổi. Trong đó, địch bố trí thành 4 trại giam, gồm: trại 1 (trại chiêu hồi); trại 2 và 3 giam giữ các nữ tù binh giữ vững khí tiết, không khai báo, không đầu hàng; trại 4 là khu biệt giam với 6 "chuồng cọp" làm bằng kẽm gai giam giữ các nữ tù binh kiên trung nhất.

50 năm ngày các nữ chiến sĩ cách mạng trở về từ địa ngục trần gian - 2

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn trò chuyện, thăm hỏi cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài (Ảnh: Bình Định).

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lý, Trưởng Ban liên lạc Cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài, trong trại giam Phú Tài, các nữ tù binh phải chịu đựng một chế độ giam giữ khắc nghiệt. Mỗi phòng có diện tích khoảng 120m2, giam 70-80 người, có khi đến 100-150 người.

Phòng giam như một hộp sắt, ban ngày nóng nực, ban đêm lạnh buốt. Chế độ ăn uống, sinh hoạt rất thiếu thốn.

Địch tra khảo, vô hiệu hóa nữ tù binh ngay khi họ vừa đặt chân vào trại giam bằng mọi thủ đoạn xảo quyệt, từ dùng lời ngon ngọt để dụ dỗ cho đến áp dụng các hình thức tra tấn dã man thể xác và khủng bố tinh thần.

50 năm ngày các nữ chiến sĩ cách mạng trở về từ địa ngục trần gian - 3

390 cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài trên khắp cả nước hội ngộ tại Bình Định (Ảnh: Bình Định).

Bất chấp sự tàn bạo dã man của kẻ thù, các nữ tù binh trại giam Phú Tài đã đoàn kết bảo vệ khí tiết cách mạng, bảo vệ quyền sống, biến trại giam thành trường học, thành trận địa đấu tranh mới; cùng nhau thành lập Đảng ủy, các chi bộ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, đội quyết tử để đấu tranh với địch.

Sau cuộc tiến công và nổi dậy Xuân - Hè 1972, địch chuyển nhà tù này vào Cần Thơ. Sau khi Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 được ký kết, ngày 15/2/1973, gần 900 nữ tù binh tại trại giam Phú Tài được trao trả tại Lộc Ninh (Bình Phước), trở về địa phương, tiếp tục cống hiến cho cách mạng.

Hơn 5 năm bị giam cầm tại đây, dù bị cai ngục và tay sai tra khảo, đánh đập dã man, nhưng các nữ tù binh vẫn giữ vững ý chí kiên cường, bất khuất. Trong đó, các nữ tù đã tổ chức hơn 20 cuộc đấu tranh lớn nhỏ; có 8 chị đã anh dũng hy sinh và khoảng 600 chị bị thương tật vĩnh viễn.

50 năm ngày các nữ chiến sĩ cách mạng trở về từ địa ngục trần gian - 4

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà (thứ 3 từ phải sang) và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn (thứ 8 từ phải sang) trao quà cho các cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài (Ảnh: Bình Định).

Ghi nhận tinh thần anh dũng, bất khuất của các nữ tù binh Phú Tài, Đảng và Nhà nước ta đã tặng nhiều danh hiệu cao quý. Trong đó, ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho 15 tập thể, trong đó có Tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài.

Tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, sự trường tồn của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân; xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng phụ nữ Việt Nam: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".

"Trong những năm qua, địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện để cuộc sống của các cựu nữ tù binh Phú Tài được cải thiện, tốt hơn trong hòa bình", ông Toàn nhấn mạnh.