1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

5 hộ nghèo chung nhau... 1 con dê giống

Đặng Dương

(Dân trí) - Đắk Nông đứng đầu khu vực Tây Nguyên về công tác giảm nghèo. Đây là kết quả của những chính sách, cách làm giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Năm 2023, xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã giảm được 10% số hộ nghèo, là một trong số những địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh Đắk Nông.

Để đạt được chỉ tiêu đề ra, địa phương này đã phát triển nhiều mô hình sinh kế, trong đó có mô hình nuôi dê và thành lập tổ cộng đồng nuôi dê.

5 hộ nghèo chung nhau... 1 con dê giống - 1

Gia đình ông Đỗ Văn Trường (bon Phi Glê, xã Quảng Sơn) được hỗ trợ 4 con dê sinh sản (Ảnh: Đặng Dương).

Từ dự án giảm nghèo bền vững, năm 2023, gia đình ông Đỗ Văn Trường (bon Phi Glê, xã Quảng Sơn) được hỗ trợ 4 con dê sinh sản. Dê nhanh thích ứng với môi trường, khỏe mạnh, lớn nhanh nên chỉ sau vài tháng nuôi, đàn dê giống này đã sinh sản được 4 dê con.

Theo ông Đỗ Văn Trường, trước khi biết đến mô hình nuôi dê này, gia đình ông hoàn toàn không có kinh nghiệm.

Được hỗ trợ dê giống, ông Trường cùng một số hộ dân đã thành lập tổ cộng đồng (10 hộ/tổ), chia sẻ kỹ năng chăm sóc vật nuôi. Các thành viên trong tổ cũng thường xuyên trao đổi dê giống, mang lại hiệu quả cao hơn trong quá trình nuôi.

"Mỗi tổ cộng đồng được cấp phát 2 con dê đực (tức 5 hộ gia đình chung một con dê đực giống). Trong quá trình nuôi, chúng tôi thường xuyên trao đổi con đực để tạo nguồn giống cho dê. Bên cạnh việc chủ động tìm kiếm thị trường, khi có nguồn tiêu thụ tốt, các hộ dân sẵn sàng chia sẻ cho nhau, qua đó giúp cải thiện thu nhập cho các thành viên trong tổ cộng đồng", ông Trường cho biết thêm.

5 hộ nghèo chung nhau... 1 con dê giống - 2

Huyện Tuy Đức ban hành nghị quyết về giảm nghèo tại 6 bon dân tộc thiểu số tại chỗ (Ảnh: Đặng Dương).

Theo UBND xã Quảng Sơn, trong giai đoạn 2022-2023, khi triển khai các mô hình sinh kế, các hộ dân sẽ cùng nhau tham gia sinh hoạt chung tại tổ cộng đồng, trong đó có 70% là hộ nghèo, cận nghèo. Trước và trong quá trình chăn nuôi, người dân được tập huấn kỹ thuật nên các mô hình thực hiện đạt hiệu quả cao.

Tuy Đức là một trong 2 huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông. Cùng với sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân, trong năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện Tuy Đức đã giảm 12%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 16,17%.

Yếu tố tác động tích cực đến kết quả giảm nghèo của huyện Tuy Đức phải kể đến nghị quyết của địa phương về giảm nghèo ở 6 bon (đơn vị hành chính tương đương với buôn, bản) đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Trong đó, huyện Tuy Đức tập trung cho phát triển sản xuất nông nghiệp, xác định một số cây trồng, vật nuôi chủ lực để có những chính sách hỗ trợ phù hợp, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân.

5 hộ nghèo chung nhau... 1 con dê giống - 3

Mỗi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm với công tác giảm nghèo (Ảnh: Đặng Dương).

Năm 2024, huyện Tuy Đức phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 3% trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 5% trở lên.

Để thực hiện được mục tiêu trên và đưa huyện thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước, Tuy Đức phân công và gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên.

Ông Đinh Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, cho biết huyện yêu cầu các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vào cuộc quyết liệt, tìm nguyên nhân và có giải pháp hữu hiệu trong việc hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo.

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân nghèo và tìm giải pháp hỗ trợ phù hợp, địa phương huy động tổng lực các nguồn đầu tư, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế.