46 năm sau thảm họa sập cống Hiệp Hòa: Đầu tư xây dựng bia chứng tích

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Chủ trương trên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2024.

Ngày 29/7, Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất chủ trương xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa, gồm: bia, bậc cấp, sân đặt bia diện tích khoảng 300m2; bậc thang, lối cho người khuyết tật lên xuống, diện tích khoảng 188m2; bến thả hoa đăng, bậc thang lên xuống diện tích khoảng 142m2; các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ.

Tổng mức đầu tư cho dự án là 5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu hằng năm.

46 năm sau thảm họa sập cống Hiệp Hòa: Đầu tư xây dựng bia chứng tích - 1

Phối cảnh công trình Bia chứng tích cống Hiệp Hòa, Đô Lương (Ảnh: Văn Cường).

Địa điểm xây dựng dự án tại xóm Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương. Dự án thực hiện tối đa không quá 2 năm kể từ ngày khởi công.

Theo Tỉnh ủy Nghệ An, việc xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa là việc làm cần thiết để tưởng nhớ công ơn của những người đã tử nạn trong quá trình xây dựng, đáp ứng nguyện vọng của thân nhân những người tử nạn, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.

46 năm sau thảm họa sập cống Hiệp Hòa: Đầu tư xây dựng bia chứng tích - 2

Cống Hiệp Hòa - nơi 98 người tử nạn năm 1978 (Ảnh: Nguyễn Tùng).

Cống Hiệp Hòa được xây dựng từ năm 1934, nằm trên hệ thống nông giang dẫn nước từ bara Đô Lương tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của các huyện: Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Trải qua thời gian bị lắng cặn và chiến tranh tàn phá, lưu lượng nước qua cống Hiệp Hòa không đủ để tưới tiêu cho các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu nên phải mở rộng cống.

Cuối năm 1977, tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh) chủ trương nạo vét, sửa chữa sông Đào và mở rộng khai thông cống Hiệp Hòa.

Tỉnh Nghệ An huy động 21.000 người dân thuộc 7 huyện cùng sự hỗ trợ của Sư đoàn 337 - Quân khu 4 tổ chức mở rộng, nâng cấp công trình đại thủy nông.

Ngày 3/1/1978, khối đất đá được đổ tạm trên mái núi đã đổ ập xuống làm 98 thanh niên bị vùi lấp, thiệt mạng, 132 người khác bị thương.

Năm 1979, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh truy tặng Bằng Ghi công đối với 98 người tử nạn tại cống Hiệp Hòa, đồng thời thực hiện các chính sách trợ cấp xã hội đối với thân nhân người tử nạn.