4 tiếp viên mang ma túy có được trợ cấp thất nghiệp, rút bảo hiểm xã hội?
(Dân trí) - Nếu bị sa thải theo quy định kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không, quyền lợi của 4 tiếp viên hàng không mang ma túy từ Pháp về Việt Nam sẽ ra sao?
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, 4 tiếp viên mang ma túy về nước qua đường hàng không sẽ bị xử lý theo Thông tư 46/2013 của Bộ GTVT về hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.
4 tiếp viên trên vi phạm Khoản 4 Điều 6 Thông tư 46/2013 là "Lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa". Với vi phạm này, 4 tiếp viên trên bị xử lý bằng hình thức "không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng".
Để làm rõ quyền lợi lao động của 4 tiếp viên trên trong trường hợp bị cho thôi việc trong trường hợp này, phóng viên báo Dân trí trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM).
Thưa luật sư, trong trường hợp bị cho thôi việc theo Thông tư 46/2013 của Bộ GTVT, 4 tiếp viên trên có được lãnh trợ cấp thất nghiệp hay không?
Căn cứ theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Việc làm năm 2013 thì việc người lao động (NLĐ) bị áp dụng biện pháp kỷ luật lao động đặc thù (theo quy định của Thông tư 46/2013/TT-BGTVT) hay bị xử lý kỷ luật lao động (theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019) không làm mất đi quyền được hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ.
Trường hợp đáp ứng đủ các quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, NLĐ vẫn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Luật sư phân tích về trường hợp các tiếp viên bị thôi việc không tìm được việc làm khác sau 1 năm. Luật sư Chánh chỉ rõ, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần không phụ thuộc vào nguyên nhân chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, trường hợp NLĐ bị áp dụng chế độ kỷ luật lao động đặc thù hay bị sa thải thì vẫn có thể được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 115/2015 của Chính phủ thì sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, nếu NLĐ có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
NLĐ được nhận bảo hiểm xã hội một lần ngay khi có yêu cầu nếu phù hợp các điều kiện quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội.
Về khả năng tiếp tục làm việc trong ngành hàng không hoặc ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp hay các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp của nhà nước, luật sư Nguyễn Đức Chánh dẫn quy định tại Điều 6 Thông tư 46/2013/TT-BGTVT, cá nhân vi phạm sẽ "không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng".
Bạn đọc quan tâm đến chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không có thể tìm hiểu chi tiết TẠI ĐÂY.
Như vậy, cá nhân vi phạm vẫn có thể được làm việc trong các doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Đồng thời, cá nhân vi phạm vẫn có thể làm việc trong doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng nhưng không được đảm nhiệm vị trí "nhân viên hàng không" (căn cứ theo Điều 2 Chương II và Chương V Phần B của Văn bản số 2202/HD-CHK ngày 24/6/2014 của Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn thực hiện Thông tư số 46/2013/TT-BGTVT).
Chức danh nhân viên hàng không
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 46/2013/TT-BGTVT, các chức danh "nhân viên hàng không" bao gồm: Thành viên tổ lái; Giáo viên huấn luyện bay; Tiếp viên hàng không; Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; Nhân viên không lưu; Nhân viên thông báo tin tức hàng không; Nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không; Nhân viên khí tượng hàng không; Nhân viên điều độ, khai thác bay; Nhân viên thiết kế phương thức bay hàng không dân dụng; Nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không; Nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; Nhân viên an ninh hàng không; Nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay. Đây là những chức danh mà 4 tiếp viên trên không được làm.