Quảng Nam:
4 lao động trong độ tuổi mới có 1 người tham gia BHXH bắt buộc
(Dân trí) - Quảng Nam có trên 194.000 người tham gia BHXH bắt buộc, chỉ phủ được 25% người trong độ tuổi lao động, chưa đạt mục tiêu năm 2022.
Ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam nêu thông tin và cho biết loại hình BHXH bắt buộc được quy định, áp dụng tại Việt Nam từ rất sớm.
Người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc khá rộng, từ lực lượng vũ trang, cán bộ viên chức nhà nước đến người lao động làm việc cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể.
Thế nhưng, đến 31/12/2022, toàn tỉnh Quảng Nam mới có trên 194.000 người tham gia BHXH, chỉ đạt tỷ lệ hơn 25% dân số trong độ tuổi lao động, chưa đạt mục tiêu của BHXH tỉnh.
Theo số liệu đối chiếu với cơ quan thuế và khảo sát thực tế tính đến quý 1/2022, Quảng Nam có trên 10.000 doanh nghiệp với hơn 300.000 lao động. Trong đó, việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc đã áp dụng ở gần 5.000 đơn vị với hơn 184.000 lao động.
Trong số các đơn vị đã tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc, có trên 2.700 đơn vị chưa đăng ký tham gia đầy đủ cho toàn bộ người lao động. Có nhiều lý do cho việc này, như người lao động chỉ hợp đồng ngắn hạn, thời vụ; người lao động không muốn tham gia BHXH, có cam kết, không đồng ý tham gia vì trừ 10,5%; công việc không thường xuyên.
Đối với loại hình BHXH tự nguyện, tính đến 31/12/2022, toàn tỉnh có trên 21.500 người tham gia, chiếm tỷ lệ 2,87%, vượt 1,87% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho rằng, số người tham gia BHXH tự nguyện chưa phản ánh đúng thực tế, khi so với số người tham gia BHXH tự nguyện lần đầu (gần 34.000 người).
Do ảnh hưởng dịch bệnh, thu nhập của người đóng BHXH tự nguyện và người thân của họ bị giảm nên không thể duy trì được như trước.
Bên cạnh việc vận động tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện, việc giữ những người đang tham gia BHXH bị gián đoạn công việc tiếp tục ở lại trong hệ thống cũng rất khó khăn.
Từ 2018 đến 2022, BHXH tỉnh đã giải quyết cho trên 70.000 người hưởng chế độ BHXH một lần; trong khi đó số người tham gia trong hệ thống tăng chậm. Sau 5 năm, chỉ tăng gần 16.000 người.
Tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH còn xảy ra, nhất là tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, với số lượng lớn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Vì những lý do trên, BHXH tỉnh Quảng Nam đề nghị Tỉnh ủy xem xét ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Từ đó, BHXH tỉnh có cơ sở phối hợp cùng các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện.