1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

34 triệu lao động tự do và gánh nặng 12 triệu người không có lương hưu

Thái Anh

(Dân trí) - Chuyên gia lao động quốc tế quan ngại về 12 triệu người cao tuổi sẽ không có lương hưu. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ mối lo 34 triệu người lao động phi chính thức cần sớm lo phủ lưới an sinh...

Bài toán không dễ giải này được nêu ra tại cuộc làm việc của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung với nhóm chuyên gia của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) để trao đổi về chiến lược an sinh xã hội tại Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 diễn ra chiều 28/6.

34 triệu lao động tự do và gánh nặng 12 triệu người không có lương hưu - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc làm việc với các chuyên gia ILO (ảnh: Ngọc Thắng).

Mới chỉ 1/3 người cao tuổi có lương hưu

Khái quát về an sinh xã hội hiện nay, Bộ trưởng cho biết, chính sách của Việt Nam thuộc diện bao phủ tương đối tốt, mang lại nhiều thành tựu đã được quốc tế ghi nhận là điểm sáng. Bộ trưởng mong muốn trong giai đoạn sắp tới, hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam sẽ phát triển một cách bao trùm hơn, toàn diện hơn.

Mong muốn được nghe những phân tích, khuyến nghị thẳng thắn và thực tế từ các chuyên gia độc lập, vị tư lệnh ngành bộc bạch trăn trở của ông về con số 34 triệu lao động phi chính thức (người làm việc tự do, không có hợp đồng lao động) hiện nay với nguy cơ có thể rơi khỏi "lưới an sinh". Thực tế, đây là khu vực có dư địa lớn để tăng mức huy động tham gia bảo hiểm xã hội, để đảm bảo an sinh bền vững trong tương lai nhưng chính sách nào để quản lý, khuyến khích nhóm lao động này tự nguyện tham gia?

Bộ trưởng Lao động cũng băn khoăn với việc giải quyết bài toán doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội hiện nay, khiến nhiều người lao động ở chính khu vực chính thức cũng rơi vào diện nguy hiểm, mất an toàn về an sinh.

Trao đổi về vấn đề người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đặt ra, ông Nuno Cunha cho biết, các nước châu Mỹ - Latinh có kinh nghiệm và đã vạch ra lộ trình để chính thức hóa thị trường lao động. Như tại Colombia, Chính phủ có những kế hoạch hành động mà mỗi bộ ngành đều phải thực hiện để cùng có thể góp phần vào việc chính thức hóa người lao động, chính thức hóa việc làm để tăng nguồn thu đóng thuế, tăng nguồn thu vào bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh thanh toán tiền lương qua tài khoản, khuyến khích người lao động sử dụng điện thoại, mở tài khoản để nhận lương. Như ở Pakistan, trong thời gian ILO triển khai dự án khuyến khích thanh toán lương qua tài khoản, đã có tới hơn 300 nghìn người lao động mở tài khoản để nhận lương.

Ví dụ khác tại Malaysia, nước này cũng dùng nhiều biện pháp thúc đẩy chính thức hóa thị trường lao động, như quy định lái xe taxi hay tài xế công nghệ nếu không tham gia bảo hiểm thì bị tịch thu giấy phép hành nghề.

34 triệu lao động tự do và gánh nặng 12 triệu người không có lương hưu - 2

Bộ trưởng LĐ-TB&XH nhận định chính sách của Việt Nam thuộc diện bao phủ tương đối tốt.

Bên cạnh các "chế tài" là những biện pháp khuyến khích, hỗ trợ khác như trợ giúp đóng bảo hiểm cho trẻ em trong những gia đình trẻ, thu nhập thấp, nhất là những nhà có bố, mẹ thuộc diện lao động tự do.

Công thức chung được chuyên gia quốc tế đưa ra, hệ thống an sinh có đóng góp tăng lên thì phần trợ giúp xã hội mà ngân sách, nhà nước phải lo càng giảm đi, đỡ được gánh nặng, áp lực rất lớn với chính sách an sinh. Theo nguyên tắc này, đại diện ILO khuyến cáo, mức hưởng lương lưu khi tham gia bảo hiểm xã hội nên được thiết kế cao hơn hẳn mức trợ giúp tuổi già để khuyến khích động lực đóng bảo hiểm của người lao động.

Vị chuyên gia lao động quốc tế khuyến cáo, mới 16,5 triệu người lao động Việt hiện tham gia bảo hiểm xã hội tức chỉ 33% trong tổng số lực lượng lao động hơn 50 triệu người. Tính trong 11,4 triệu người cao tuổi cũng mới chỉ có 4,3 triệu người đang được hưởng lương hưu (2,6 triệu từ bảo hiểm xã hội và 1,7 triệu từ bảo trợ xã hội). Với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực "phủ" bảo hiểm, đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt vấn đề quan ngại khi có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Đó sẽ là gánh nặng xã hội, gánh nặng chính sách an sinh rất lớn.

Tăng chi cho an sinh từ 4% lên 8% GDP?

Đối với vấn đề tuân thủ pháp luật về đóng BHXH của doanh nghiệp, ông Nuno Cunha chia sẻ kinh nghiệm của Bồ Đào Nha, đó là có một website công bố tất cả tên của các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, mọi người có thể truy cập vào website đó và dễ dàng tìm thấy các doanh nghiệp chậm đóng BHXH. Như vậy, những doanh nghiệp này sẽ gặp phải vấn đề về tuyển dụng lao động, người lao động thấy các doanh nghiệp chậm đóng BHXH như vậy nên sẽ không vào làm tại các doanh nghiệp đó nữa.

Bên cạnh đó, về vấn đề thanh tra, kiểm tra, có thể dùng ứng dụng quản lý qua phần mềm, cơ sở dữ liệu để biết được doanh nghiệp nào có xác xuất cao là không tuân thủ, qua đó không thanh tra tràn lan, mà thanh tra có mục tiêu cụ thể, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra.

34 triệu lao động tự do và gánh nặng 12 triệu người không có lương hưu - 3

Ông Nuno Cunha là chuyên gia của tổ chức Lao động quốc tế, từng tham vấn xây dựng nhiều chính sách lao động, việc làm tại Việt Nam như Bộ luật Lao động năm 2019.

Về tăng cường nguồn lực cho an sinh xã hội, chuyên gia ILO chia sẻ, trong vòng 15 năm qua, tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á có xu hướng tăng tỷ lệ GDP với mức trung bình là 0,2% từ việc chính thức hóa thị trường lao động khi nền kinh tế dần chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Theo khảo sát từ một số nước Đông Nam Á khác, để tăng nguồn lực cho an sinh xã hội, Chính phủ có thể khuyến khích chính quyền địa phương đầu tư nhiều hơn vào trợ cấp hưu trí xã hội cho người cao tuổi tùy vào tình hình của từng địa phương. Bên cạnh đó, các chuyên gia của ILO khuyến nghị cần tăng mức đóng bảo hiểm xã hội để có thể tăng mức chi chung cho an sinh.

Ông Nuno Cunha khuyến nghị, đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Việt Nam cần tăng mức chi cho an sinh xã hội từ 4% GDP hiện nay lên mức trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 8% GDP. Song song với quá trình này là các biện pháp chính thức hóa khu vực việc làm phi chính thức, xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng với mức độ phối hợp và liên kết đáng kể giữa các tầng.

Ông Nuno khuyến nghị mở rộng an sinh xã hội nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết 28 của Trung ương trong đó nâng cao tỉ lệ bao phủ, mở rộng đối tượng thụ hưởng và tăng mức chi trả cho hưu trí xã hội. Ngoài ra, cần tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng cách nâng mức hưởng thỏa đáng, đơn giản hóa điều kiện hưởng chế độ, đưa nhiều nhóm người lao động/hợp đồng đủ điều kiện tham gia vào BHXH bắt buộc,…

Chuyên gia ILO dự báo, đến năm 2045, hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam sẽ là hệ thống hỗn hợp bao gồm cả đóng góp và không đóng góp. Trong đó, hệ thống đóng góp bao phủ toàn bộ người lao động ở mức độ chính thức hóa cao và là một hệ thống được thiết kế thích ứng với các cú sốc (môi trường, y tế, kinh tế). Và quan trọng hơn cả, hệ thống an sinh xã hội đó sẽ giúp cho xã hội không có ai bị bỏ lại phía sau. 

Thái Anh