Nghệ sĩ Piano Nhật Bản Takimoto:

"Đến biểu diễn ở Việt Nam là cái duyên của tôi"

(Dân trí) - Nghệ sỹ Takimoto cùng hơn 30 nghệ sỹ trẻ tài năng của Nhật Bản và trường ca kịch Thượng Hải – Trung Quốc đã đến Việt Nam tổ chức chương trình “Lễ hội nghệ thuật vì hoà bình thế giới".

Đây là hoạt động kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam và 60 năm kết thúc chiến tranh Nhật Bản.

 

Takimoto là một tên tuổi lớn trong giới nghệ sỹ biểu diễn Piano điện tử Nhật Bản. 16 tuổi ông đã được giải nhất trong cuộc thi Piano điện tử tại Nhật Bản. Ông đã từng dẫn đầu đoàn 200 nghệ sỹ Nhật Bản biểu diễn sang Monaco giao lưu và biểu diễn nhạc cho hoàng gia Monaco…Chuyến sang Việt Nam biểu diễn lần này của ông không nằm ngoài mục đích giao lưu, chia sẻ và ủng hộ tiền vé thu được cho các nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam. Ông đã có cuộc chuyện trò cùng phóng viên báo KH&DT:

 

Thưa ông Takimoto, là tổng đạo diễn chương trình Lễ hội nghệ thuật vì hoà bình thế giới, ông có thể tiết lộ đôi điều về các nhạc cụ sử dụng trong chương trình mà ông cho là độc đáo?

 

Trong chương trình biểu diễn lần này tại Việt Nam tôi sẽ sử dụng trống - nhạc cụ cổ xưa nhất và đàn piano điện tử sử dụng các kỹ thuật âm nhạc hiện đại nhất của Nhật Bản, kết hợp với nghệ thuật múa Kinh Dịch cổ điển có lịc sử hàng ngàn năm của Trung Hoa, những vũ điệu và âm hưởng của Đông Dương, âm nhạc của các nước phương Tây. Hi vọng chương trình nghệ thuật này sẽ để lại những dấu ấn đẹp,tăng cường giao lưu văn hoá giữa hai nước.

 

Trong 12 tiết mục biểu diễn có tiết mục Nhạc Việt Nam, ở tiết mục đó ông sẽ biểu diễn bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, ông có thể  nói đôi chút về quá trình tập luyện ?

 

Tôi đã tập bài hát đó nhưng không phải một mình mà tập cùng hai ca sĩ Việt Nam: Khánh Linh và Trọng Tấn. Không thể ngờ được, tôi đã tập bài hát Việt với người Việt Nam. Họ sẽ hát với tôi. Đây là một ca khúc rộn vang, một không khí huy hoàng trong ngày vui đại thắng.

 

Toàn bộ số tiền bán vé sẽ được ủng hộ cho nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, ngoài hoạt động ý nghĩa ấy ông còn ý định tham gia chương trình nào khác?

 

Chúng tôi thực hiện chuyến biểu diễn vì mục đích giao lưu, học hỏi và làm từ thiện. Tôi mong muốn làm được điều gì đấy cho trẻ em nhiễm chất độc màu da cam. Chúng tôi ủng hộ toàn bộ số tiền bán vé cho các em. Còn trong lịch trình lần này, thời gian quá eo hẹp, chúng tôi xin lỗi vì không thể đến thăm làng trẻ em nhiễm chất độc màu da cam được. Kết thúc chương trình này hoặc lần sau, nhất định chúng tôi sẽ có cơ hội.

 

Theo như tôi được biết, đây là chương trình đầu tiên ông biểu diễn tại Việt Nam? Ông có thể cho biết vì sao ông lại chọn Việt Nam làm điểm khởi đầu chuyến lưu diễn của mình?

 

Đây quả là một cái duyên đối với tôi. Tôi cảm thấy Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Tháng 11 này nước các bạn kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh còn nước Nhật kỷ niệm 60 năm kết thúc chiến tranh. Hơn nữa tôi đã từng đến Việt Nam, được nghe những bài lịch sử, thưởng thức vẻ đẹp nguyên sơ của phong cảnh Việt Nam…Và tôi đã chọn Việt Nam.

 

Kết thúc đêm diễn tại Việt Nam thì ông sẽ tiếp tục biểu diễn ở đâu?

 

Sau chương trình tại Việt Nam, chúng tôi sẽ biểu diễn ở Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 25/11 và tại Nhật Bản vào ngày 15/12.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Chương trình sẽ biểu diễn từ ngày 3 đến 9/11/2005 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Văn Miếu  - Hải Dương, Tuần Châu - Hạ Long.

12 tiết mục trong chương trình đó là: Múa rồng kết hợp với đàn Electon, Khai Thiên lập địa, Trống liên hoàn Nhật Bản, Tiên nữ tán hoa, Trống lớn Nhật Bản, Tiết mục múa kiếm, Tình ca thảo nguyên, Hư không mãn nguyện, Âm nhạc là quà tặng của thiên nhiên, Nhạc Việt Nam, Múa rồng, Bolero.

 

 

 

Nguyễn Hằng