1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Vụ xã vay tiền dân không trả: Đùn đẩy trách nhiệm vòng quanh

(Dân trí) - Liên quan đến việc xã vay hàng trăm triệu của người dân không trả, những vị lãnh đạo còn đương chức hoặc không đương chức đều không thừa nhận trách nhiệm mà đùn đẩy vòng quanh.

Theo tìm hiểu, các khoản nợ mà xã Quảng Chính vay của các hộ dân là từ những năm 2010 đến năm 2014. Thời điểm này, ông Hoàng Trọng Hạnh đang là Bí thư Đảng ủy, ông Nguyễn Ngọc Tân là Chủ tịch UBND xã. Hiện ông Tân đã nghỉ hưu, còn ông Hạnh chuyển sang làm Bí thư Đảng ủy xã Quảng Khê (huyện Quảng Xương) từ tháng 10/2016.

Về những khoản vay trên, ông Hạnh khẳng định là có, tuy nhiên thời điểm đó ông không đứng ra vay.

“Trước đó tôi làm Chủ tịch xã nhưng chuyển sang Đảng ủy từ tháng 8/2010 và đã chốt công nợ, tài chính bàn giao lại cho ông Tân. Việc vay tiền bà Hường là do năm 2012, xã quy hoạch khu dân cư chợ Ghép cũ, bà Phạm Thị Ngãi (thôn Xuân) có nộp tiền đăng ký mua 2 lô đất (250 triệu đồng/lô). Tuy nhiên, lúc nhận bàn giao gia đình bà Ngãi chỉ được có 1 lô, số tiền thừa sau đó chính quyền rút chi hết. Sau này bà Ngãi nhiều lần đòi tiền không được liền lên xã nằm ăn vạ, ông Tân có bàn vay để trả cho bà Ngãi và tôi có đồng ý chủ trương” – ông Hạnh trần tình.

UBND xã Quảng Chính- nơi vay hàng trăm triệu của dân không trả
UBND xã Quảng Chính- nơi vay hàng trăm triệu của dân không trả

Ông Hạnh cũng khẳng định ông không có liên quan gì đến các khoản vay trên vì ông không đứng ra vay, ký tá gì, nếu có liên đới chỉ là việc ông đồng ý chủ trương để Chủ tịch UBND xã đứng ra vay tiền.

Tại bản hợp đồng UBND xã Quảng Chính vay bà Mai Thị Hường thể hiện có mặt ông Nguyễn Ngọc Lưu, chức vụ kế toán ngân sách xã. Thế nhưng, khi trao đổi về việc trên, ông Lưu phủ nhận hoàn toàn sự việc.

Ông Lưu khẳng định: “Thời điểm tháng 3/2014, người giữ chức vụ kế toán ngân sách xã là anh Vũ Văn Lợi, chứ không phải tôi. Tôi đã nghỉ công việc kế toán ngân sách xã từ năm 2012. Tôi khẳng định, việc xã vay tiền của bà Mai Thị Hường là đúng sự thật. Còn việc ông Lê Đình Khoa (hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Chính) nói, chưa nhận được bàn giao sổ sách, chứng từ tài chính như thế nào, thì tôi không rõ”.

Ông Nguyễn Ngọc Tân – nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Chính- người đứng ra vay bà Hường cũng thừa nhận việc UBND xã vay tiền của bà Mai Thị Hường là đúng. Tuy nhiên, ông cho biết, trước khi nghỉ hưu đã bàn giao lại toàn bộ sổ sách, chứng từ cho ông Mai Ngọc Tứ, khi ông này nhận chức Chủ tịch UBND xã.

“Lúc đó, UBND xã vay tiền của bà Hường là đúng sự thật. Đây là việc vay tiền cho tập thể, chứ không phải cho cá nhân ai. Khi tôi nghỉ làm Chủ tịch UBND xã, tôi đã bàn giao lại toàn bộ cho anh Tứ. Sau đó, anh Tứ chuyển qua làm Phó Bí thư Đảng ủy cũng đã bàn giao lại cho anh Lê Đình Khoa. Thế nhưng, bây giờ, anh Khoa cứ khăng khăng cho rằng, không nhận được bàn giao là không đúng" - ông Tân nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Chính - người đã trực tiếp ký giấy vay nợ dân
Ông Nguyễn Ngọc Tân, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Chính - người đã trực tiếp ký giấy vay nợ dân

Dù ông Tân khẳng định là việc vay mượn có hóa đơn, chứng từ và sau đó đã bàn giao lại, thế nhưng ông Mai Ngọc Tứ lại cho rằng vì đây là khoản vay ngoài, không có sổ sách, chứng từ gì.

“Việc UBND xã vay nợ của dân là vay ngoài ngân sách. Vì thế, đây là điều mà Luật không cho phép. Khi tôi nhận bàn giao từ ông Tân, thì cũng chỉ là nhận bàn giao khoản nợ ngoài ngân sách mà thôi, chứ không được đưa vào khoản nợ ngân sách chi thường xuyên. Vì thế, khi tôi chuyển công tác, anh Lê Đình Khoa về làm chủ tịch, thì chúng tôi không dám đưa khoản nợ ngoài nói trên vào bàn giao, bởi Luật Ngân sách không cho phép”, ông Tứ cho biết.

Được biết, trong báo cáo gửi Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện Quảng Xương đề ngày 8/9/2017, UBND xã Quảng Chính có đề cập đến một số khoản nợ đọng và vay mượn của nhiều cá nhân. Theo đó, tính đến ngày 31/11/2016, UBND xã Quảng Chính đã bàn giao xong công nợ có liên quan và lũy kế qua nhiều năm với số tiền là 8,58 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay xã đang nợ của 9 cá nhân bên ngoài với số tiền trên 1 tỉ đồng (trong đó chưa tính đến lãi vay ngoài 2%/tháng). Những khoản nợ này chủ yếu từ những năm 2010-2014 và không có trong báo cáo quyết toán cũng như không được HĐND phê duyệt qua các năm.

Còn tại quy hoạch khu dân cư chợ Ghép được quy hoạch đất ở theo hình thức Nhà nước bán giao đất có thu tiền với tổng số tiền theo phương án là 4,2 tỉ đồng (của 16 lô đất). Các hộ mua đất đã nộp đủ 100% cho xã và ngoài ra các hộ còn nộp thêm 50 triệu đồng/lô để GPMB cũng như một số công việc khác. Tuy nhiên, số tiền hiện tại xã mới nộp vào ngân sách Nhà nước được 2,9 tỉ đồng, còn lại gần 1,2 tỉ đồng chưa nộp. Chính vì vậy, mà toàn bộ 16 hộ dân chưa có cơ sở để làm các thủ tục cấp trích lục đất.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Chính, Bí thư Huyện ủy Quảng Xương cho biết, huyện cũng đã nhận được thông tin về sự việc. Hiện nay, Huyện ủy đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Quảng Xương kiểm tra, làm rõ nội dung sự việc. Dù là những người có liên quan đến vụ việc, mà đã nghỉ hưu, hay chuyển công tác, thì huyện cũng sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Bình Minh