TPHCM:
Vụ sai phạm đất đai ở quận 9: Chưa đến mức kỷ luật cán bộ
(Dân trí) - Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết các cá nhân liên quan đến sai phạm đất đai tại quận 9 đã nhận ra sai sót nên chỉ cần áp dụng hình thức phê bình, nhắc nhở chứ chưa đến mức kỷ luật.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 vào trưa 29/5, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã trả lời báo chí về vụ việc UBND TPHCM phê bình hàng loạt cán bộ liên quan đến sai phạm đất đai tại quận 9, trong đó có nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường và nguyên Chủ tịch UBND quận 9.
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan – người phát ngôn của chính quyền TP – cho biết vụ việc diễn ra từ năm 2013 khi chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 1A, phường Phú Hữu (quận 9) từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Theo ông Hoan, đầu năm 2017, Chủ tịch UBND TP đã giao Sở Nội vụ chủ trì tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND quận 9 và các cá nhân theo phân cấp quản lý thời điểm xảy ra vụ việc.
Theo ông Hoan, về chủ quan, một số cán bộ đã thiếu cập nhật thông tin đưa dự án trên vào danh mục dự án đầu tư cần thu hồi đất để tổng hợp trình UBND TP. Còn về khách quan, đây là thời điểm giao thời giữa Luật Đất đai năm 2003 và 2013.
“Các Nghị định hướng dẫn về công tác quy hoạch, lập danh mục dự án cần thu hồi đất chưa được hướng dẫn chi tiết nên công tác tham mưu còn lúng túng”, ông Hoan giải thích.
Theo Chánh Văn phòng UBND TP, trong các cá nhân liên quan có người đã về hưu, người chuyển công tác nhưng mức độ sai phạm chưa đến mức xử lý kỷ luật. Họ đều đã nhận ra thiếu sót. Vì vậy, UBND TP quyết định chỉ áp dụng hình thức phê bình, nhắc nhở.
“Dù các đồng chí về hưu hay đang làm việc khác cũng phải hết sức thận trọng, lưu tâm và rút kinh nghiệm nghiêm túc. Sở Nội vụ đã chủ trì họp kiểm điểm họ ở địa phương, Sở Tài nguyên – Môi trường”, ông Hoan cho biết.
Trước đó, vào cuối năm 2013, UBND quận 9 làm thủ tục cho người dân xây dựng khu dân cư Đông rạch Bà Cua. Theo đó, hàng loạt quyết định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng và đầu tư hạ tầng được thực hiện.
Thời điểm này, 74 hộ dân thoát khỏi quy hoạch treo, bắt tay vào xây dựng nhà cửa. UBND quận 9 cho phép người dân đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gồm đường giao thông, cấp thoát nước, điện sinh hoạt.
Thế nhưng trong khi người dân đang xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa thì cuối năm 2014 Sở Tài nguyên - Môi trường TP lại có văn bản kiến nghị thu hồi khu đất này với tổng diện tích gần 90.000m², để đem đấu giá phục vụ xây dựng tuyến Vành đai 2.
Điều đáng nói, mục đích đem đấu giá khu đất này cũng để xây dựng khu dân cư mới. Quyết định của Sở Tài nguyên – Môi trường đã khiến các hộ dân đang xây nhà hoang mang, đồng thời đẩy chính quyền địa phương vào tình cảnh “khó ăn khó nói với dân”.
Sau đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát thủ tục, tham mưu cho UBND TP để trình HĐND TP, chấp thuận đưa khu đất này ra khỏi danh mục cần thu hồi, theo quy định của Luật Đất đai.
Liên quan đến sai phạm đất đai tại phường Phú Hữu, ông Đào Anh Kiệt - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM và bà Đặng Thị Hồng Liên - nguyên Chủ tịch UBND quận 9, hiện là Bí thư Quận ủy quận 9, đã bị UBND TPHCM phê bình. Ngoài ra, hàng loạt cán bộ, phòng ban của Sở Tài nguyên – Môi trường và quận 9 cũng bị UBND TPHCM phê bình, nhắc nhở.
Quốc Anh