1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ ô tô rơi từ đường trên cao: Nắn tuyến bằng dải phân cách cứng

(Dân trí) - Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã lắp đặt một dải phân cách cứng ở đường trên cao - vị trí chiếc xe ô tô 7 chỗ đã đi vào, húc đổ lan can và lao thẳng xuống phía dưới.

Việc lắp đặt được thực hiện trong ngày 26/7. Cùng với đó, các công nhân tiếp tục sửa chữa phần lan can bị xe ô tô húc bay.

Dải phân cách cứng được lắp đặt.
Dải phân cách cứng được lắp đặt.

Theo quan sát, ngoài phần lan can bằng kim loại bị tông sập, rơi xuống đất, phần kè bê tông phía dưới cũng bị hư hỏng, trơ các đầu sắt đấu nối với phần lan can kim loại.

Lan can cứng có mũi tên chỉ dẫn giúp tài xế ô tô có thể quan sát từ xa, tránh lưu thông vào đoạn “đường cụt” trên.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã chỉ đạo cơ quan quản lý nắn tuyến đường bằng dải phân cách cứng để không xảy ra tai nạn tương tự.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng đã chỉ đạo đơn vị chức năng rà soát lại những điểm tương tự để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Đoạn đường xảy ra tai nạn nghiêm trọng (Ảnh Tiến Nguyên)
Đoạn đường xảy ra tai nạn nghiêm trọng (Ảnh Tiến Nguyên)

“Có thể xác suất rất nhỏ, thế nhưng khi đã có sự cố thì phải rà soát lại toàn bộ tuyến đường để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản nhân dân”, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.

Trước câu hỏi đoạn đường xảy ra tai nạn có thế kế sai hay không, ông Vũ Văn Viện cho biết, chủ đầu tư đã có trả lời làm rõ vấn đề này. Theo đó, khi trả lời phóng viên Dân trí ,ông Phạm Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải (GTVT, chủ đầu tư dự án) - cho biết, kể từ khi dự án thông xe và đưa vào khai thác từ năm 2010 đến nay mới xảy ra vụ tai nạn hi hữu như vậy.

Theo ông Bình, đây là đoạn đường nhánh dẫn xe từ dưới lên đường trên cao dài hơn 200m. Đoạn đường được thiết kế cho phù hợp với yếu tố hình học của tuyến đường chứ không phải bị hẫng 1 nhịp dầm hay do nhà thầu làm sai thiết kế. Đây cũng hoàn toàn không phải điểm nối với đường dẫn rời cầu như nhiều người nhầm tưởng.

Vận tốc chạy xe ở đoạn đường này cũng bị khống chế để đảm bảo an toàn giao thông, từ nhánh dẫn lên đường trên cao là 40km/h, vận tốc trên làn chính 80km/h. “Nếu “vuốt” thẳng đoạn đường dẫn nhập vào làn đường chính thì sẽ rất tốn kém về chi phí thi công và không đảm bảo an toàn giao thông”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, mặt cắt đường mở rộng để mở rộng tầm nhìn cho lái xe. Các phương tiện sau khi rời đường dẫn sẽ tăng dần tốc độ để nhập vào làn đường chính.

Trước đó, sáng 25/7, một vụ tai nạn hi hữu xảy ra trên đường vành đai 3. Chiếc xe 7 chỗ do anh Nguyễn Văn Lý (SN 1973, trú tại Đống Đa, Hà Nội) điều khiển đi vào đoạn đường bất ngờ bị thu hẹp, tông gãy lan can đường trên cao, lao xuống đất.

Ông Phạm Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải), chủ đầu tư dự án - cho biết, đoạn đường được thiết kế cho phù hợp với yếu tố hình học của tuyến đường chứ không phải bị hẫng một nhịp dầm hay do nhà thầu làm sai thiết kế. Đây cũng hoàn toàn không phải điểm nối với đường dẫn rời cầu như nhiều người nhầm tưởng.

Tiến Nguyên - Quang Phong