Vì sao dự án thủy điện Sông Bung 2 đội vốn “khủng”?

(Dân trí) - Vốn đầu tư ban đầu hơn 3.660 tỷ đồng cho công suất 2 tổ máy 100MW nhưng đến nay, dự án thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, Quảng Nam) đã đội vốn thêm lên đến trên 1.600 tỷ đồng và tiến độ trễ 1 năm…

Thủy điện Sông Bung 2 được khởi công xây dựng cuối năm 2012 và dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào năm 2015. Vốn đầu tư ban đầu được phê duyệt trên 3.600 tỷ đồng nhưng đến tháng 5 vừa qua, chủ đầu tư đã phê duyệt dự án tăng thêm trên 1.600 tỷ đồng.

Công trình thủy điện Sông Bung 2 đang được thi công
Công trình thủy điện Sông Bung 2 đang được thi công

Theo quyết định phê duyệt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 thủy điện Sông Bung 2 với giá trị trên 5.239 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng trên 3.000 tỷ đồng, chi phí thiết bị trên 761 tỷ đồng, chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng trên 25 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án gần 94 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 244 tỷ đồng, chi phí khác trên 715 tỷ đồng và chi phí dự phòng trên 345 tỷ đồng.

EVN cũng yêu cầu Tổng công ty phát điện 2, BQL dự án thủy điện Sông Bung 2 tính toán hợp lý, hợp pháp của các chi phí phát sinh trong TMĐT của dự án, thanh quyết toán theo đúng quy định; làm việc với Công ty bảo hiểm Toàn Cầu về trách nhiệm bảo hiểm cho công trình theo đúng quy định…

Để hiểu rõ thêm về việc “đội” giá của thủy điện Sông Bung 2, PV Dân trí nhiều lần liên lạc với ông Ngô Việt Hải – Tổng giám đốc Công ty phát điện 2 (chủ đầu tư dự án) và ông Vương Thành Chung – Phó giám đốc phu trách BQL dự án thủy điện Sông Bung 2; tuy nhiên nhiều lần hai ông này đều cáo bận.

Đập tràn của dự án
Đập tràn của dự án

Đến chiều ngày 29/7, ông Vương Thành Chung mới đồng ý tiếp PV; tuy nhiên ông chỉ “giới hạn” trong vòng 20 phút. Tại cuộc tiếp xúc này, ông Chung đã in và ký sẵn một báo cáo về tổng quan dự án, các thông số chính của công trình, tiến độ thực hiện, tổng mức đầu tư…

Theo báo cáo này, tổng mức đầu tư dự án được EVN phê duyệt tại quyết định số 649/QĐ-EVN ngày 21/12/2009 là 3.661 tỷ đồng. Sau quá trình triển khai thi công có một số yếu tố chính tác động làm thay đổi tổng mức đầu tư (tăng thêm trên 1.600 tỷ đồng).

Theo ông Chung, lý do tăng vốn là do các biến động về chính sách tiền lương, giá cả thị trường, thay đổi tỷ giá, thay đổi điều kiện địa chất - thủy văn và thay đổi do chuẩn xác khối lượng.

“Sau thời gian thẩm định, đánh giá, phân tích làm rõ các nguyên nhân tăng TMĐT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phê duyệt TMĐT điều chỉnh dự án thủy điện Sông Bung 2 tại quyết định số 99/QĐ-EVN ngày 19/5/2016 với giá trị 5.239 tỷ đồng”, báo cáo của BQL dự án thủy điện Sông Bung 2 trình bày.

Cũng theo báo cáo, TMĐT sau khi điều chỉnh có tăng cao nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí tài chính của dự án ứng với giá bán điện bình quân trên thị trường điện hiện nay là 0,05 USD/kWh (tương đương 1.060 VND/kWh), đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế chung của xã hội.

Sau khi ông Chung trình bày báo cáo này, PV Dân trí đã hỏi ông một loạt câu hỏi liên quan đến việc tăng vốn: Căn cứ theo quyết định phê duyệt ban đầu thì đến thời điểm này tiến độ dự án Sông Bung 2 đã bị trễ bao nhiêu năm? Lý do vì sao bị chậm? Thiệt hại như thế nào?

Dự án đã tăng khoảng 40% so với ban đầu, lý do tổng mức tăng rất nhiều như vậy? Hiệu quả của dự án như thế nào khi tổng mức tăng? Và trách nhiệm thuộc về ai khi để tổng mức tăng?

Việc tăng vốn sẽ được tính vào giá điện. Cuối cùng là người tiêu dùng phải chịu thì có hợp lý không? Nguồn vốn 1.600 tỉ đồng tăng thêm ở dự án được vay thương mại từ tổ chức nào?

Trách nhiệm của bảo hiểm ở đâu. Hầu hết việc tăng tổng mức là do lỗi địa chất và sạt trượt. Với sạt trượt thì bảo hiểm phải có trách nhiệm đền theo hợp đồng nhưng ở đây hình như đã loại trừ trách nhiệm của bảo hiểm…

Những câu hỏi này ông Chung chỉ ghi nhận và cho biết: “Những câu hỏi nào thuộc về thẩm quyền của tôi thì tôi sẽ trả lời, còn những phần nào thuộc về thẩm quyền của cấp trên thì cấp trên sẽ trả lời”. Tuy nhiên, đến chiều ngày 1/8 vẫn chưa thấy ông Chung phản hồi.

Dân trí sẽ thông tin tiếp theo về dự án thủy điện đội vốn "khủng" này.

Công Bính