TPHCM: Cơ chế đặc thù có xóa được xe “dù”, bến “cóc”?
(Dân trí) - Dù nguyên nhân đã được xác định từ lâu, những quy định hiện hành vẫn đủ để kiểm tra, xử lý nhưng mục tiêu xóa nạn xe “dù”, bến “cóc” vào cuối năm 2015 của thành phố không thể hoàn thành. Để dứt điểm tình trạng gây bức xúc dư luận trên, TPHCM sẽ xây dựng đề án cụ thể và xin cơ chế đặc thù.
Xe “dù”, bến “cóc” ngày càng lộng hành
Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách” diễn ra ngày 27/5, Vụ trưởng Vụ vận tải Trần Bảo Ngọc cho rằng những hệ lụy của loại hình xe “dù”, bến “cóc” trước hết là tạo môi trường kinh doanh vận tải không lành mạnh; gây thiệt hại cho hành khách khi có sự cố hay tai nạn xảy ra... Thực trạng trên là nguyên nhân chủ yếu gây mất trật tự vận tải, không đảm bảo an toàn giao thông; làm thất thu ngân sách do không phải đóng thuế cho nhà nước...
Ông Ngọc nhìn nhận nguyên nhân của những tồn tại trên là có những quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, cần sớm được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Quy hoạch bến xe chưa phù hợp, chưa đáp ứng hết nhu cầu đi lại của người dân, chưa thuận tiện cho giao thông kết nối giữa các loại hình vận tải….
Đồng quan điểm với Vụ trưởng Ngọc, ông Văn Công Điểm – Phó tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ du lịch và vận tải Phương Trang – cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến xe “dù”, bến “cóc” ngày càng lộng hành là do cơ quan thực thi công vụ không kiên quyết xử lý. Theo ông Điểm, điểm xe “dù”, bến “cóc” ở thành phố năm 2015 tăng 25% so với năm 2014.
“Tình trạng này đã gây bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải, tạo hệ lụy xấu. Vì vậy, vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp vận tải chạy tuyến cố định buộc phải thu hẹp kinh doanh hoặc bỏ bến xe khách liên tỉnh để ra ngoài nhằm cạnh tranh với “xe khách trá hình”, ông Điểm nói.
Để dẹp xe “dù”, bến “cóc”, ông Kim Hyun Young – TGĐ doanh nghiệp vận tải Kumho cho rằng phải cấm các doanh nghiệp vận tải hoạt động trong trung tâm thành phố và phải đưa vào bến xe hoạt động; cấm mở văn phòng ở trung tâm thành phố. Đồng thời, Nhà nước cần cấm hoạt động xe trung chuyển của các doanh nghiệp vận tải. Vì trên thực tế xe trung chuyển làm luôn vai trò của xe buýt công cộng, xe taxi làm lãng phí thêm cho xã hội.
Nhiều đại biểu cũng đồng tình với quan điểm của ông Kim Hyun Young, không thể chấp nhận xe “dù”, bến “cóc” trong nội đô vì gây ách tắc giao thông. Chỉ vì một số người cần đi lại mà hàng vạn người chịu cảnh lộn xộn, ùn tắc giao thông và vô hình chung hủy hoại nhiều loại hình kinh doanh vận tải khác, đặc biệt là xe buýt.
Còn Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, ngoài những hạn chế về mô hình tổ chức quản lý thì hiện nay việc phối hợp thông tin giữa phòng quản lý vận tải với Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, trung tâm đăng kiểm còn vô cùng rời rạc cũng là nguyên nhân tồn tại nạn xe “dù”, bến “cóc”.
Ông Khuất Việt Hùng đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho rà soát lại tất cả cán bộ công chức chuyên trách quản lý vận tải ở các tỉnh thành để xác định có bao nhiêu người thực sự là kỹ sư học về vận tải, hay học ngành khác. Qua đó, tổ chức đánh giá năng lực, đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng này.
Cần “liều thuốc” đặc trị
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho biết, tình hình tai nạn giao thông tại thành phố được kéo giảm trong 8 năm liên tục (số vụ, số người chết và số người bị thương). Tuy nhiên, với đặc điểm là thành phố đông dân nhất nước, tốc độ đô thị hóa nhanh nên phát sinh nhiều bất cập về trật tự đô thị, hạ tầng giao thông, trong đó có tình trạng xe “dù”, bến “cóc”.
Theo ông Khoa, dù lãnh đạo thành phố đã có nhiều chỉ đạo tập trung xử lý nhưng tình trạng xe “dù”, bến “cóc” vẫn phức tạp và hiện còn 36 điểm xe “dù”, bến “cóc” trên địa bàn.
Ông Khoa cho biết ngay tuần sau, thành phố sẽ phối hợp với đơn vị liên quan và Bộ GTVT cùng bàn những giải pháp để từ đó xây dựng đề án đảm bảo thực tiễn, khách quan, khoa học nhằm quản lý hoạt động vận tải hành khách tốt hơn. TPHCM cũng xin những cơ chế đặc thù để áp dụng, quản lý vì có những đặc điểm riêng biệt so với các địa phương khác.
Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá rằng chưa bao giờ như những năm 2014, 2015 thậm chí cả 2016 vấn đề quản lý vận tải hành khách bằng ô tô được đề cập nhiều như vậy trong cuộc họp giao ban, sơ kết, tổng kết…
Ông Thọ cũng cho rằng, Luật giao thông đường bộ vẫn còn một số điểm chưa cập nhập kịp thời với hoạt động thực tiễn. Nguyên nhân là do tốc độ phát triển vận tải đường bộ thời gian qua phát triển rất nhanh, có nhiều phát sinh mới... Vì vậy, Bộ đang kiểm tra để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp thực tiễn.
Về việc xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý vận tải bằng ô tô của Sở GTVT TP, Thứ trưởng Thọ đề nghị: “Trong đề án phải đưa ra được các giải pháp làm sao chống được xe “dù”, bến “cóc”. Phải cụ thể hơn trên cơ sở dự báo đến 2020 vận tải hành khách bằng ô tô phát triển đến đâu, đưa ra các giải pháp. Trong đề án này có nên đề ra cuối 2016 dẹp được xe “dù”, bến “cóc” không? Nếu giải pháp tốt thì sẽ thực hiện được”.
Ông Thọ cũng đồng ý cần nêu lên những cơ chế đặc thù, để phù hợp với tình hình thực tế tại thành phố trong việc quản lý hoạt động vận tải. Đồng thời, phải xây dựng lộ trình thực hiện, quy trách nhiệm từng người cụ thể. Đến tháng 6/2016 phải trình đề án này lên Bộ GTVT.
Quốc Anh