TPHCM cần hơn 64.000 tỷ đồng để giảm ô nhiễm môi trường

(Dân trí) - Theo chương trình giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2020 UBND TPHCM vừa phê duyệt, TP ưu tiên thực hiện 54 dự án với gần 64.200 tỷ đồng. Trong đó, TP chi 1.070 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư, trồng cây xanh cách ly khu xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước.

Theo UBND TPHCM, trong 54 dự án được ưu tiên thực hiện thì phần đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và nạo vét kênh rạch chiếm phần lớn - gần 51.300 tỷ đồng (vốn được huy động hình thức PPP, ODA…); có 11 dự án chuyển tiếp thực hiện từ giai đoạn 2011-2015, với kinh phí 3.684 tỷ đồng.

TPHCM sẽ chi hơn 1.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (quy mô 268ha) tại huyện Bình Chánh
TPHCM sẽ chi hơn 1.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (quy mô 268ha) tại huyện Bình Chánh

Về phần xử lý chất thải rắn, TPHCM có chủ trương xã hội hóa kêu gọi tư nhân làm dự án xử lý chất thải rắn với công nghệ tiên tiến, công suất 1.000-2.000 tấn/ngày, với số vốn 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, kêu gọi vốn ngoài ngân sách đầu tư đồng bộ các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn là hơn 2.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2018-2020.

TPHCM cũng đưa ra mục tiêu áp dụng công nghệ tái chế, làm phân compost và đốt 40%, chôn lấp hợp vệ sinh 60%. TP sẽ giảm 65% khối lượng túi ni lông tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 50% khối lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

TPHCM cũng yêu cầu sau năm 2017 triển khai phân loại rác tại nguồn để đáp ứng và phù hợp với các công nghệ, công suất của các nhà máy xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố.

Về giảm ô nhiễm môi trường do nước thải, TPHCM đặt chỉ tiêu 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Quốc Anh