Tình hình biển Đông thay đổi thế nào sau phán quyết của Tòa trọng tài?

(Dân trí) - Ông Chu Công Phùng – Cố vấn chiến lược Bộ Ngoại giao, nguyên Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc (1987-1991), nguyên đại sứ Việt Nam tại Myanmar cho rằng về lý thuyết, Trung Quốc và Philippines đều phải có trách nhiệm tuân thủ các phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế song nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách đáp trả và gia tăng hàng loạt các hành động gây hấn ở Biển đông.

Vì sao phán quyết của Tòa trọng tài lại có ý nghĩa lịch sử?

Theo ông, vì sao có thể coi phán quyết của tòa án quốc tế về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc hôm 12/7 mang tính lịch sử và mở ra một hướng đi mới trong việc giải quyết tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông?

Có thể coi việc Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông là vụ kiện thế kỷ bởi đây là lần đầu tiên một quốc gia nhỏ yếu đã dũng cảm kiên trì suốt 3 năm khởi kiện một nước lớn là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để giải quyết những bất đồng song phương ở Biển Đông. Kết quả cuối cùng là công lý và phần thắng đã thuộc về quốc gia nhỏ yếu.

Theo tôi, phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12/7/2016 có ý nghĩa rất lớn, thể hiện ở 2 mặt.

Thứ nhất, mọi tranh chấp quốc tế nếu không thể giải quyết giữa các bên tranh chấp thì có thể giải quyết thông qua Tòa Trọng tài quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc. Philippines đã lựa chọn giải pháp kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế. Đó là một giải pháp khôn ngoan và đúng đắn khi mà 17 năm đàm phán giữa Philippines với Trung Quốc đã bế tắc. Philippines không đủ khả năng ngăn chặn yêu sách phi lý và các hành động ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của họ.


Cựu Đại sứ Chu Công Phùng cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế mang tính lịch sử và mở ra một hướng đi mới trong việc giải quyết tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông

Cựu Đại sứ Chu Công Phùng cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế mang tính lịch sử và mở ra một hướng đi mới trong việc giải quyết tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông

Thứ hai, phán quyết của Tòa Trọng tài đã mở ra một hướng đi sáng sủa cho cuộc đàm phán song phương và đa phương giải quyết vấn đề Biển Đông. Từ nay, các bên liên quan đều bị ràng buộc bởi các phán quyết pháp lý của Tòa Trọng tài, phải chấp nhận các quy định của Luật Biển 1982. Từ đó thu hẹp các vùng tranh chấp ở Biển Đông, thúc đẩy các biện pháp đàm phán hòa bình cũng như ngăn chặn việc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Tôi cho rằng, phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài là một phán quyết thỏa đáng, khách quan và công bằng dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Philippines và Trung Quốc là hai quốc gia tham gia ký kết công ước này. Phán quyết của Tòa Trọng tài đã giải quyết vấn đề lớn nhất, dư luận quan tâm nhất là: "Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử đối với các tài nguyên nằm trong các vùng biển thuộc “đường 9 đoạn”.

Tất cả các phán quyết của Tòa đều bất lợi cho Trung Quốc

Nội dung và ý nghĩa phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc

Ông có thể cho biết rõ hơn về nội dung và ý nghĩa của từng phán quyết mà Tòa án trọng tài thường trực vừa đưa ra?

Philippines đã chọn 3 vấn đề để kiện Trung Quốc:

1/ Yêu sách "đường lưỡi bò" 9 đoạn ở Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương đòi hỏi chủ quyền có phù hợp với Luật Biển 1982 không?

Về điểm này, Tòa kết luận rằng "không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử đối với các tài nguyên nằm trong các vùng biển thuộc “đường 9 đoạn”. "Đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Kết luận này của Tòa đã đáp ứng mong mỏi không chỉ của riêng Philippines mà cũng là mong mỏi của các nước có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc và dư luận yêu chuộng công lý trên thế giới.

2/ Đề nghị Tòa phân loại Quy chế pháp lý của 9 cấu trúc ở Biển Đông trong đó có 8 cấu trúc ở quần đảo Trường Sa (Vành Khăn, Cỏ Mây, Xu Bi, Gaven, Ken Nan, Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập) và một cấu trúc độc lập là Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và kết luận về phạm vi vùng biển mà các cấu trúc này được hưởng, hay nói cách khác là quy chế pháp lý cho 9 cấu trúc này. Mục đích lớn nhất của điểm lớn thứ 2 là thu hẹp vùng biển tranh chấp.

Nhiều người nhận định vụ kiện của Philippines là phiên tòa thế kỷ vì đây là lần đầu tiên một quốc gia có động thái, nỗ lực dùng biện pháp pháp lý để giải quyết những bất đồng ở Biển Đông. (Ảnh minh họa: AFP)
Nhiều người nhận định vụ kiện của Philippines là "phiên tòa thế kỷ" vì đây là lần đầu tiên một quốc gia có động thái, nỗ lực dùng biện pháp pháp lý để giải quyết những bất đồng ở Biển Đông. (Ảnh minh họa: AFP)

Về điểm này, Tòa cũng kết luận rằng, không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc. Đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, hiện bị Đài Loan chiếm đóng trái phép, cũng không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Như vậy, những đảo bãi bị các bên chiếm đóng trái phép hoặc tôn tạo trái phép ở Trường Sa đều không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà chỉ có vùng biển 12 hải lý theo quy định của Luật Biển năm 1982.

Đối với bãi cạn Scarborough, mặc dù Tòa Trọng tài không đưa ra phán quyết về chủ quyền đối với bãi cạn này nhưng Tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm trách nhiệm phải tôn trọng quyền đánh bắt ở ngư trường truyền thống của Philippines khi luôn tìm cách ngăn tàu cá Philippines tiếp cận khu vực này kể từ sau tháng 5/2012.

3/ Đề nghị Tòa phán quyết về một số hành vi vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông.

Về điểm này, Tòa Trọng tài cũng tuyên bố Trung Quốc đã "gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường các rặng san hô" khi xây dựng các đảo nhân tạo. Đồng thời Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế với việc quấy rối hoạt động đánh bắt và khai thác dầu khí của Philippines; xây dựng các đảo nhân tạo; để ngư dân đánh bắt trong vùng đặc quyền của Philippines.

Ngoài ra, theo tòa, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã gây ra các rủi ro va chạm khi tìm cách ngăn cản tàu Philippines.

Như vậy, 3 nội dung chính mà Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài quốc tế đều đã được Tòa phán quyết hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc và Đài Loan; đồng thời chứng minh tuy là nước nhỏ yếu, nhưng Philipinnes đã dũng cảm, kiên trì 3 năm theo đuổi vụ kiện Trung Quốc và đã giành được phán quyết khách quan có lợi của Tòa Trọng tài quốc tế. Hình ảnh các tầng lớp dân chúng Philippines hồ hởi đón nhận phán quyết của Tòa và hàng loạt hãng thông tấn quốc tế đưa tin hoan nghênh đã chứng minh thực tế này.

Biển Đông có thể sẽ căng thẳng hơn sau phán quyết của tòa?

Trung Quốc đã nói là sẽ không chịu phán quyết của tòa và họ cũng đã nói là dù phán quyết thế nào đi chăng nữa thì điều này cũng không ảnh hưởng đến hành động và chủ quyền của họ ở Biển Đông. Ông dự đoán thế nào về các kịch bản có thể xảy ra với các các nước liên quan sau phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực?

Hơn 20 năm qua, cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa 5 nước 6 bên diễn ra lúc âm ỉ, lúc căng thẳng, trong đó Trung Quốc là nước lớn hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế, không chỉ đòi chủ quyền trong vùng "lưỡi bò" chiếm 2/3 Biển Đông mà còn ngang ngược xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Trước thực tế này, các nước lớn và dự luận quốc tế đều phê phán Trung Quốc nhưng chưa có một phán quyết nào của một Tổ chức quốc tế có uy tín thuộc Liên Hợp Quốc về cuộc tranh chấp này. Nay Tòa Trọng tài quốc tế đã có phán quyết bất lợi cho Trung Quốc. Vậy tình hình biển Đông sắp tới sẽ ra sao?

Tôi cho rằng, về lý thuyết, Trung Quốc và Philippines đều phải có trách nhiệm tuân thủ các phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế. Trung Quốc sẽ phải từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với "đường lưỡi bò" và giảm các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ ngồi lại đàm phán để đạt tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC).

Tuy nhiên, tôi cho rằng, tình hình Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ vẫn tiếp tục căng thẳng vì phán quyết của Tòa ngày 12/7/2016 chưa phải là phán quyết về chủ quyền ở Biển Đông, mới chỉ phủ quyết yêu sách của Trung Quốc về "đường lưỡi bò" ở Biển Đông, và làm sáng tỏ thêm một số nội dung tranh chấp. Hơn nữa bên bị cáo là Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa án. Họ sẽ chà đạp lên phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, tiếp tục tiến hành các hành động đơn phương xác nhận chủ quyền ở Biển Đông và chăc chắn sẽ vấp phải sự chống trả và lên án mạnh mẽ hơn trước của các nước liên quan xung quanh Biển Đông và dư luận quốc tế.

Theo ông, kết quả của phán quyết này sẽ tạo ra tiền đề thuận lợi gì cho các nước nhỏ trong việc sử dụng cơ quan trọng tài quốc tế để phân xử tranh chấp?

Phán quyết này không chỉ là một văn bản pháp lý quốc tế có tính chất răn đe, cảnh cáo Trung Quốc mà còn mở ra cơ hội cho các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc noi theo tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chính đáng của mình. Việt Nam là nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền biển đảo nhiều nhất với Trung Quốc không chỉ ở quần đảo Trường Sa mà còn ở quần đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ.

Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế giúp chúng ta có thêm cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc để tiếp tục đàm phán đấu tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, tiếp tục triển khai các hành động vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, thì cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán và trên thực địa giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ phức tạp và căng thẳng hơn trước.

Bốn tác động tích cực của phán quyết đối với Việt Nam

Bốn tác động tích cực của phán quyết đối với Việt Nam

Ông có thể cho biết những tác động cụ thể của phán quyết đối với Việt Nam?

Theo tôi, phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài quốc tế có 4 tác động tích cực đối với Việt Nam. Cụ thể:

Thứ nhất, "Đường lưỡi bò" không chỉ xâm phạm vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines mà cũng xâm phạm nghiêm trọng vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Philippines đã giành phần thắng trong vụ kiện "đường lưỡi bò" và các cấu trúc đảo bãi ở Trường Sa, hiển nhiên đó cũng là thắng lợi gián tiếp của Việt Nam và các nước Đông Nam Á liên quan trong cuộc đấu tranh pháp lý về chủ quyền biển đảo ở Biển Đông.

Thứ hai, Tòa Trọng tài đã kết luận những hành vi của Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế với việc quấy rối hoạt động đánh bắt và khai thác dầu khí của Philippines; xây dựng các đảo nhân tạo; để ngư dân Trung Quốc đánh bắt trong vùng đặc quyền của Philippines. Điều này sẽ giúp chúng ta so sánh với những hành vi mà Trung Quốc đã thực hiện tương tự với Việt Nam để chúng ta có cơ sở vững chắc hơn phản bác và chứng minh với quốc tế những hành động mà Trung Quốc vi phạm trên vùng biển của Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam đã đàm phán với Trung Quốc hàng chục năm qua về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Họ khư khư khẳng định chủ quyền đối với "vùng lưỡi bò"; cho rằng yêu sách "chính đáng" và "lợi ích cốt lõi" của họ phù hợp Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Nay Tòa trọng tài quốc tế đã có phán quyết rõ ràng về "đường lưỡi bò".

Chúng ta sẽ có thêm cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục đàm phán đấu tranh với Trung Quốc.

Thứ tư, quá trình Philippines khởi kiện Trung Quốc giúp chúng ta có bước chuẩn bị vững chắc hơn khi đàm phán với Trung Quốc bế tắc, buộc chúng ta phải lựa chọn giải pháp đưa vấn đề chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra Trọng tài quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Trang