Sẽ làm rõ việc trạm BOT "thu phí 3 - 4 tỷ đồng/ngày, báo cáo... 1 tỷ"
(Dân trí) - “Có tuyến đường BOT nhà đầu tư nói 1 ngày thu 1 tỷ đồng tiền phí nhưng dư luận phản ánh là thực tế số tiền tới 3 - 4 tỷ đồng. Mức chênh rất khủng khiếp. Chúng tôi ủng hộ việc công khai, làm rõ, dù chỉ kiểm chứng được 1 vài trạm cũng sẽ thay đổi lớn lắm” - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà nói.
Nhập nhèm việc thu phí BOT đường bộ là một vấn đề được đặt ra tại cuộc họp báo chuyên đề do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 27/5 về Nghị quyết 35 của Chính phủ mới ban hành vừa qua về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Nói về những chi phí là gánh nặng đối với doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, bà Phạm Thu Hằng – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có cả chi phí chính thức và phi chính thức.
Trong nhiều cuộc khảo sát, điều tra (trong đó có khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của VCCI) đều báo cáo về những chi phí không chính thức, chi phí “bôi trơn” DN phải gánh với tỷ lệ phản ánh tương đối cao nhưng khó đánh giá mức độ cụ thể.
Còn chi phí chính thức hiện nay thì những gánh nặng nhất được tính cho thuế, giao thông vận tải, bảo hiểm xã hội cũng như các khoản đóng góp khác cho người lao động… hiện lên tới 40% trên tổng số lợi nhuận của DN. Bà Hằng khẳng định, đây là mức gánh nặng rất cao so với thế giới.
Từ trái qua, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà và Tổng thư ký VCCI Phạm Thu Hằng chủ trì họp báo.
Bình luận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông xác nhận, mức chi phí chính thức theo thống kê của VCCI đúng là rất cao.
“Năng lực cạnh tranh của quốc gia được đánh giá dựa vào chính năng lực cạnh tranh của DN. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, gánh nặng như thế liên quan trực tiếp đến sức cạnh tranh của DN, khó có thể trông đợi gì ở DN nếu mức độ chi phí phải gánh như vậy” – ông Đông nói.
Đi cụ thể vào vấn đề chi phí về giao thông mà như một vấn đề đặt ra, việc thanh tra nhiều dự án BOT giao thông hiện nay cho thấy hiện tượng khống vốn lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng khiến cho mức thu phí đường “đội” lên, thời hạn thu phí phải kéo dài, gây gánh nặng cho người dân, DN, Thứ trưởng Đông cho rằng, DN và xã hội có quyền yêu cầu trả lời câu hỏi đó.
Ông Đông phân tích, tất cả các yếu tố cấu thành lên phí mà người dân, DN phải gánh thì xã hội có quyền yêu cầu làm rõ, không thể trả lời chung chung kiểu “nếu không được thu như thế thì không có người đầu tư”.
“Người dân có quyền yêu cầu làm rõ mọi yếu tố dẫn đến mức phí áp dụng trên các tuyến BOT vì phí giao thông ảnh hưởng đến từng cân thịt, cân gạo mỗi gia đình phải sử dụng hàng ngày, ảnh hưởng tới từng mớ rau từ nông thôn đưa ra đô thị. Tôi từng nói về việc giá 1 kg củ đậu ở quê tôi – cách Hà Nội chỉ 120km, bán 5000 đồng mà ra thủ đô bán giá 50.000 đồng. Như thế là rất vô lý” – ông Đông nói.
Về nguyên lý, theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, để cấu thành phí giao thông, không chỉ do giá thành công trình mà còn phụ thuộc vào lưu lượng giao thông, số người sử dụng dịch vụ trên tuyến đường đó và điều này có thể “đếm” kiểm chứng để so sánh với số tiền thu phí ở cổng thu phí tại một trạm BOT.
Con số tiền thu được mỗi ngày của trạm BOT, theo Thứ trưởng Đông, phải công khai để làm rõ về thời gian, chi phí hoàn vốn của nhà đầu tư. Ông Đông nhấn mạnh: “Người dân, DN có quyền yêu cầu công khai việc này, không thể có vùng cấm ở đây vì việc thu phí ảnh hưởng tới từng người dân chứ không chỉ DN vận chuyển”.
Hiện đang tồn tại một số bất cập tại các trạm thu phí BOT (Ảnh: CTV)
Thống nhất với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng, cần tính thiết, tính đủ các khoản cấu thành phí BOT, dù không đơn giản.
Ông Hà nêu một giải pháp là áp dụng quy trình thu phí không dừng với phần mềm được xây dựng độc lập, cung cấp độc lập để đếm cho thật chính xác số phí thu được ở mỗi trạm BOT mỗi ngày, để nhà đầu tư không “ăn gian” được. Có số liệu đó, mỗi người dân đều có thể tính được phí được thu bao nhiêu, áp dụng trong thời gian bao lâu là hợp lý.
“Tới đây, chúng tôi sẽ ngồi với Bộ GTVT để rà soát sao cho có được số liệu này sớm nhất. Có tuyến đường BOT hiện nay báo cáo thu chỉ 1 tỷ đồng tiền phí/ngày nhưng dư luận đã phản ánh con số thực thu tới 3 - 4 tỷ đồng. Mức chênh rất khủng khiếp. Chúng tôi ủng hộ các cơ quan báo chí vào cuộc điều tra, ủng hộ việc công khai, làm rõ, dù chỉ kiểm chứng được 1 vài trạm cũng sẽ thay đổi lớn lắm” – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thẳng thắn.
Thứ trưởng Đông cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc áp dụng công cụ kiểm đếm độc lập. Ông đề nghị cẩn trọng với công cụ thu phí của chính nhà đầu tư, người cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư mà mua từ nước ngoài về vì có thể can thiệp vào máy móc, không đảm bảo khách quan.
P.Thảo