1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Rút thí điểm đánh thuế căn nhà thứ 2 tại TPHCM

(Dân trí) - Khác với dự kiến ban đầu, dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trình Quốc hội thông qua chiều 24/11 không còn quy định thí điểm ban hành thuế tài sản. Cùng với nhiều điều chỉnh trước đó, nhiều nội dung đề xuất ban đầu về các cơ chế đã “khuôn” lại rất nhiều…

Áp dụng việc đánh thuế tài sản tại TPHCM được cảnh báo là sẽ gây xáo trộn lớn với thị trường bất động sản ở thành phố lớn nhất nước
Áp dụng việc đánh thuế tài sản tại TPHCM được cảnh báo là sẽ gây xáo trộn lớn với thị trường bất động sản ở thành phố lớn nhất nước

Trước đó, khi thẩm tra tờ trình của Chính phủ, UB Tài chính của Quốc hội tuy nhất trí việc thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản, song cũng nhấn mạnh, đây là sắc thuế mới, thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, và đã được định hướng trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị, trên cơ sở báo cáo của HĐND TPHCM, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định áp dụng thuế tài sản thí điểm trước tiên thực hiện tại thành phố. Trước mắt, nghiên cứu tập trung thuế tài sản đối với nhà, đất.

Thảo luận ở tổ, không ít ý kiến tại Quốc hội tỏ ra băn khoăn nếu để TPHCM thí điểm loại thuế mới này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng phân tích, Hiến pháp quy định chỉ có Quốc hội mới được ban hành sắc thuế mới. Và, cho thí điểm về loại thuế này, có thể gây cú sốc trước hết với thị trường bất động sản, làm thị trường này lao dốc.

Đến phiên thảo luận toàn thể, một số vị đại biểu cho rằng nếu cho TPHCM thí điểm thuế tài sản sẽ ảnh hưởng đến tính công bằng. Trong khi các "đại gia" bất động sản ở địa bàn khác không phải nộp loại thuế này, nhưng người dân ở thành phố thì phải nộp.

Phân tích này cũng được Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho là có lý.

Tổng hợp các phiên thảo luận thì vẫn có nhiều ý kiến nhất trí việc ban hành thuế tài sản, trước mắt là thuế nhà, đất để thí điểm tại Tp.HCM. Một số ý kiến đề nghị không ban hành luật để áp dụng thí điểm thuế tài sản đối với thành phố, mà cần ban hành luật để áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc.

UB Thường vụ Quốc hội, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, cũng thể hiện quan điểm, thuế tài sản là sắc thuế trực thu, có ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận người dân, đến thị trường bất động sản, đến sức cạnh tranh và môi trường đầu tư của thành phố. Việc thực hiện thí điểm chỉ tại TPHCM sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa người dân, người có nhà, đất trên địa bàn thành phố với những người sở hữu nhà, đất ở các địa phương khác.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép không quy định nội dung này trong dự thảo nghị quyết, song đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản để áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo định hướng về cải cách hệ thống thuế quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Như vậy, đến thời điểm này, nhiều nội dung đề xuất ban đầu về cơ chế đặc thù dành cho TPHCM đã được điều chỉnh đáng kể. Áp dụng thuế tài sản được rút khỏi dự thảo nghị quyết. Quyền tự quyết định việc tăng “vượt khung” các loại thuế (trừ thuế xuất nhập khẩu) đã được giới hạn lại rất nhiều với chỉ một vài sắc thuế cụ thể như thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hoá xa xỉ. Việc giao quyền tăng lương cho cán bộ, công chức, chuyên gia mà thành phố muốn thu hút, “giữ chân” cũng đã được khống chế mức trần không quá 1,8 lần mức lương chung của cả nước…

Chiều nay, Quốc hội chính thức bấm bút quyết định các nội dung của dự thảo nghị quyết.

P.Thảo