Bình Định:
Ruộng đồng bỏ hoang vì thiếu nước, nông dân lại lo đói
(Dân trí) - Hiện nay, hơn nửa số hồ chứa nước tại Bình Định đã khô cạn, trên 4.500 ha diện tích đất sản xuất phải bỏ hoang. Người nông dân đang đối diện với “khát” lương thực nên nhiều người đã bỏ quê vào Nam làm thuê kiếm sống.
Mặc dù những ngày qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định xuất hiện mưa nhưng lượng mưa không lớn, lượng nước các hồ chứa bốc hơi mạnh, nên nhiều hồ chứa bị khô cạn. Đến nay, có 91/164 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Bình Định đã khô cạn, tăng thêm 20 cạn nước. Hiện lượng nước tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ còn được 260/578 triệu m3, đạt 45% dung tích thiết kế, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, trước tình hình hạn hán kéo dài, dự kiến sẽ có 5.850 ha lúa, 1.213 ha màu vụ Hè Thu bị thiếu nước vào cuối vụ và 942 ha đất sản xuất nông nghiệp tại các xã khu Đông các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn… có nguy cơ bị xâm nhập mặn.
Nắng nóng gay gắt, tình hình thiếu nước sản xuất nông nghiệp đang diễn ra phức tạp ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tại các địa huyện Như Hoài Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ, Vân Canh… nhiều diện tích đất sản xuất vụ Hè thu phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới.
Tại huyện Phù Mỹ, vụ Hè thu năm nay huyện chỉ sản xuất 3.340 ha lúa, giảm 1.962 ha so với vụ này năm trước. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp chủ động vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi những diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn. Bên cạnh đó, các biện pháp tưới tiết kiệm đang được nông dân chủ động áp dụng. Ngoài 695 ha đất màu chuyên sản xuất cây rồng cạn, vụ Hè thu này, các xã Mỹ Châu, Mỹ Lộc, Mỹ Hiệp, Mỹ Tài sẽ chuyển 850 ha đất lúa không chủ động được nước tưới sang sản xuất đậu phụng, bắp, ớt.
Đặc biệt, với người nông dân xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đa số sống nhờ vào nghề làm muối và làm ruộng. Thế nhưng, năm nay giá muối hạ thấp, ruộng lúa phải bỏ hoang do thiếu nước nên nhiều hộ dân tại đây đành bỏ nghề đi TP. Hồ Chí Minh làm thuê, xin vào công ty may… để mưu sinh.
Chị Nguyễn Thị Kim Vân (thôn Xuân Bình Bắc, xã Mỹ Thành) cho biết: “Nhà tôi với 10 miệng ăn trông chờ vào 10 sào ruộng. Chỉ làm được vụ Đông xuân còn vụ Hè thu năm nay, do nắng nóng nên đành bỏ hoang. Ở đây, nhiều hộ cũng phải tranh thủ vào Nam làm thuê kiếm sống, chứ cứ ngồi chờ vào vài sào ruộng có mà chết đói”.
Tại huyện Tây Sơn, nhiều hộ dân lao đao vì ruộng đồng phải bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất. Ông Huỳnh Ngọc Tuấn - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Nghi 2 (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) cho biết: “HTX này có 170 ha diện tích sản xuất 2 vụ lúa/năm nhưng hiện nay có đến 75 ha ruộng bỏ hoang do nắng hạn kéo dài. Hơn nữa, ruộng ở đây chỉ sản xuất được 2 vụ/năm, nhưng mấy năm gần đây hạn hán cũng mất đứt vụ Hè thu vì thiếu nước. Trong khi nông dân chỉ dựa vài sào ruộng để sống nên thường thiếu thóc ăn vụ giáp hạt. Thiếu nước sản xuất lúa ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 2.500 người dân địa phương, chiếm 1/2 dân số của HTX”.
Theo ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định: “Trước tình hình nắng hạn kéo dài, từ đầu năm, chúng tôi đã thực hiện việc hỗ trợ nông dân bằng các phương pháp như: nếu thiếu nước thì chuyển sang cây trồng cạn, không đủ nước tưới thì đề nghị không sản xuất. Hiện Sở NN&PTNT Bình Định đang tiến hành thống kê con số thiệt hại từ các huyện, thị để trình UBND tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân”.
Doãn Công