TPHCM:

Quốc lộ nâng cao gần 1 m, nhà dân nguy cơ biến thành hầm

(Dân trí) - Người dân hai bên quốc lộ 13 cũ (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM) đang rất lo lắng vì thành phố chuẩn bị nâng đường cao hơn mặt đường hiện hữu đến gần 1 m.

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức (chủ đầu tư), dự án xây dựng đường và hệ thống thoát nước quốc lộ 13 cũ được Sở GTVT TP phê duyệt đầu tư từ tháng 10/2015 nhằm giải quyết tình trạng ngập nước khi mưa hoặc triều cường cho người dân.

Mặt đường được mở rộng thành 11 m, vỉa hè mỗi bên rộng 2,75 m, trồng cây xanh, xây dựng hệ thống chiếu sáng kết hợp ngầm hóa cáp điện, viễn thông… Mặt đường sau khi cải tạo có cao trình 2,5 m. Tổng vốn đầu dự án gần 380 tỷ đồng.

Ông Vương Mạnh Hùng (khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước) chỉ tay vào dấu đỏ trên cột điện là mặt đường dự kiến nâng lên của quốc lộ 13 cũ
Ông Vương Mạnh Hùng (khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước) chỉ tay vào dấu đỏ trên cột điện là mặt đường dự kiến nâng lên của quốc lộ 13 cũ

Theo đó, dự án sẽ nâng mặt đường hiện hữu từ 0,4-1,91 m. Trong số 396 nhà dân dọc quốc lộ 13 cũ dài 1,4 km bị ảnh hưởng sẽ có 270 nhà sẽ thấp hơn mặt đường mới hơn 1 m.

Trước thông tin trên người dân địa phương rất bức xúc vì lo ngại nhà biến thành hầm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và kinh doanh... Trong khi không phải gia đình nào cũng có tiền để sửa chữa, nâng nhà.

Người dân cho rằng nâng quốc lộ 13 cũ còn cao hơn cả đường Kinh Dương Vương (dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương nâng cao độ mặt đường lên 2 m) trong khi đây chỉ là đường dân sinh. Vì vậy, người dân đề nghị cơ quan chức năng khi nâng đường phải đảm bảo hài hòa công tác chống ngập và lợi ích người dân. Không thể vì chống ngập mà khiến người dân chịu thiệt.

Trước sự phản ứng mạnh mẽ của người dân, chủ đầu tư đã họp lấy ý kiến các hộ và đưa ra 3 mức giảm cao độ mặt đường là 0,25 m, 0,5 m và 0,7 m. Tuy nhiên đa số người dân không đồng tình với các phương án này và đề nghị giảm hơn nữa.

Ông Vương Mạnh Hùng chỉ vào dấu mốc mới sau khi giảm 0,7 m và cho rằng vẫn còn quá cao, nhà ông cũng như nhiều nhà dân khác sẽ biến thành hầm
Ông Vương Mạnh Hùng chỉ vào dấu mốc mới sau khi giảm 0,7 m và cho rằng vẫn còn quá cao, nhà ông cũng như nhiều nhà dân khác sẽ biến thành hầm

Ông Vương Mạnh Hùng cho biết: “Nếu giữ như mức cũ thì nhà dân biến thành hầm hết. Chúng tôi phản đối thì họ giảm xuống nhưng giảm 0,7 m cũng còn quá cao. Như nền nhà tôi bây giờ thấp hơn mặt đường mới 1,2 m. Chỉ có thể chui rúc ra vào chứ tiền đâu mà nâng hết nhà. Cần phải giảm thêm 0,5 m nữa thì hợp lý. Làm đường quá cao vừa gây thiệt hại cho người dân mà cũng lãng phí tiền ngân sách”.

Ông Hùng cho rằng, quốc lộ 13 cũ bây giờ là đường dân sinh. Người dân nơi đây chỉ cần cải tạo hệ thống thoát nước cho tốt chứ không cần nâng đường quá cao và mở quá rộng. Nơi đây có chợ, trường học, nhà trẻ nên cũng cần hạn chế xe tải lớn ra vào.

Nhà bà Lê Yến Phượng sẽ bị mặt đường mới chắn hơn nửa cửa chính
Nhà bà Lê Yến Phượng sẽ bị mặt đường mới chắn hơn nửa cửa chính

Trong khi đó, bà Lê Yến Phượng mong muốn chỉ nâng đường cao hơn 0,5 m so với đường cũ là được. “Con đường này cứ mưa là ngập. Nhà tôi phải nâng nền 3 lần rồi, song phía trước cũng phải chắn bao cát chống nước tràn vào vì nhà thấp hơn đường. Hiện giờ nền nhà chỉ cách trần hơn 2 m. Nếu nâng đường lên hơn 1 mét như hiện nay thì không biết sửa nhà thế nào nữa mà tiền thì cũng eo hẹp. Người dân cần nhất là nâng cấp hệ thống thoát nước để không còn cảnh ngập nữa là được”, bà Phượng chia sẻ.

Nhiều ngôi nhà khác cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự nhà bà Phượng
Nhiều ngôi nhà khác cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự nhà bà Phượng

Tuy vậy, đại diện chủ đầu tư lý giải mức giảm 0,7 m là tối đa, không thể giảm thêm được nữa. Nâng cấp đường phải tính chuyện tương lai, sau này có hư chỉ cần giặm vá chứ không phải nâng nữa. Hiện nay, chủ đầu tư đã tiến hành đánh dấu mốc theo phương án giảm 0,7 m. Trên cơ sở đó, người dân sẽ coi nhà mình thấp hơn bao nhiêu và tiếp tục có ý kiến.

Quốc Anh