1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Nóng” tranh luận về mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ người dân tộc

(Dân trí) - Phong tục phụ nữ người dân tộc phải búi tóc trên đầu (tằng cẩu) đã khiến mũ bảo hiểm trở nên “vô tác dụng” khi tham gia giao thông. Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết cần có mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ người dân tộc, nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ lại cho rằng không cần thiết.

Tại Hội thảo nghiên cứu sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) cho phụ nữ đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc sáng 27/8, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGT) - cho biết, đội MBH đối với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số đang được thực hiện khó khăn trong cách thức triển khai và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những “rào cản” được xác định là yếu tố phong tục, trang phục truyền thống ảnh hưởng đến việc chấp hành quy định đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy.

Các kiểu MBH dành cho phụ nữ người dân tộc các tỉnh miền núi phía Bức đã được đề xuất, bao gồm: MBH khoét lỗ để vừa búi tóc và mũ có chóp được làm nhô cao để búi tóc trong mũ. Tuy nhiên, các kiểu mũ này “vướng” phải những vấn đề về quy chuẩn nên không khả thi, trọng lượng mũ vượt quy chuẩn gây áp lực lên cổ người đội và không thẩm mỹ, chi phí sản xuất cao hơn MBH thông thường là từ 30-60%.

 

mbh1-474d8
Luật tục tằng cẩu đối với phụ nữ người dân dân tộc Thái đen

Với vấn đề này, ông Lại Huy Doanh - đại diện Cục Quản lý chất lượng hàng hóa của Bộ Khoa học&Công nghệ - cho rằng việc nghiên cứu sản xuất ra loại MBH dành riêng cho phụ nữ dân tộc thiểu số là không cần thiết. Theo lí giải của ông Doanh, dân tộc Thái đen ở nước ta rất ít, chỉ 1% dân số, nếu để hiện thực hóa loại MBH dành riêng cho nhóm này thì sẽ phải điều chỉnh nhiều quy định, quy chuẩn hiện hành, trong khi các loại MBH như đề xuất cũng không đảm bảo theo yêu cầu.

Trong khi đó, đưa ra những phân tích về Luật tục của bà con dân tộc và các quy định pháp luật hiện hành, theo Thượng tá Giàng Páo Sính - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (PC67), Công an tỉnh Điện Biên: Thực tế việc chấp hành quy định đội MBH của bà con rất tốt, thậm chí trước khi mua xe máy thì họ đã mua MBH rồi. Tuy nhiên, do luật tục tằng cẩu đối với phụ nữ dân tộc Thái nên khi tham gia giao thông lại trở thành đội MBH không đúng quy định, dẫu vậy hiện nay PC67 Điện Biên vẫn chỉ nhắc nhở bà con chứ không xử phạt.

“Việc cần làm đầu tiên là nên lấy ý kiến của bà con dân tộc, nếu bà con không đồng ý thì các chương trình không có hiệu quả. Chưa hết, cũng phải tính tới việc nếu có một loại MBH dành riêng cho bà con dân tộc Thái đen thì bà con các dân tộc khác cũng đòi hỏi có MBH cho riêng dân tộc mình thì sẽ rất phức tạp” - Trưởng phòng PC67 Điện Biên nhấn mạnh.

 

mbh3-ba9e1
Phong tục tằng cẩu đã khiến việc đội MBH của phụ nữ người dân tộc trở nên như thế này

Đặt vấn đề phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đối với bà con dân tộc để bà con hiểu và thay đổi dần những tập tục nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình, Thượng tá Hoàng Văn Dũng - Phó Phòng PC67, Công an tỉnh Lào Cai - khẳng định, MBH khoét lỗ tằng cẩu hay MBH nửa đầu có tốt đến mấy thì khi xảy ra tai nạn vẫn không tránh được chấn thương ở đầu.

Cũng theo Phó Phòng PC67 tỉnh Lào Cai, bà con dân tộc đang hòa nhập tốt với đời sống văn hóa mới, cũng đã bỏ dần những tập tục không phù hợp, vì thế với phong tục tằng cẩu nếu tuyên truyền tốt thì văn hóa này cũng dần thay đổi. “Từ kinh nghiệm trong điều tra tai nạn, tôi khẳng định đội MBH kín đầu mới đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông” - Thượng tá Dũng cho hay.

Tuy nhiên, đưa ra quan điểm khác với lãnh đạo hai Phòng PC67 Điện Biên và Lào Cai về vấn đề này, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Yên Bái - cho biết, khi đi tiếp xúc với bà con dân tộc thì bà con cũng đề nghị nên có MBH khoét chỏm cho vừa với tằng cẩu. Địa phương này đề nghị sớm triển khai nghiên cứu và đưa ra loại MBH dành riêng cho bà con dân tộc.

Đại diện PC67 tỉnh Sơn La đề nghị nên thí điểm ở một bản, một xã nào đó để ghi nhận ý kiến của bà con dân tộc Thái đen, sau một thời gian thí điểm nếu thấy khả thi thì mới nên triển khai loại MBH dành riêng cho bà con.Vị này cũng quan tâm đến mức giá MBH, phải phù hợp với đồng bào dân tộc, vì nhận thức của bà con dân tộc thiểu số thấp hơn bà con dân tộc kinh.

mbh2-b2c19
Nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải có một loại MBH dành cho phụ nữ người dân tộc để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông 

Dưới góc độ văn hóa, PGS,TS. Lê Thị Hoài Phương - Viện Văn hóa nghệ thuật - cho rằng, chị em dân tộc Thái bỏ tằng cẩu khi tham gia giao thông là vấn đề khó nhưng chúng ta vẫn có thể vận động được vì Luật tục vẫn có thể thay đổi. Đối tượng vận động là chồng và gia đình người chồng, cuộc vận động nhằm đến nhiều đối tượng nhưng quan trọng nhất là gia đình cho phép phụ nữ bỏ tằng cẩu khi tham gia giao thông.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng cho biết, Ủy ban thống nhất quan điểm đề xuất một số nhà sản xuất nghiên cứu đưa ra thiết kế mẫu của MBH dành cho người phụ nữ dân tộc có Luật tục có tằng cẩu trên đầu, đưa ra mẫu và khảo sát. Ủy ban sẽ chính thức có văn bản sang Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung, phụ lục về quy chuẩn riêng dành cho đối tượng này, đồng thời trong quá trình hoàn thiện xây dựng đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho sản xuất thí điểm nhằm tiếp tục hoàn thiện quy chuẩn quốc gia.

“Nếu vận động được đồng bào thay đổi được Luật tục là tốt, nhưng sẽ mất cả quá trình tuyên truyền, trong thời gian này vẫn tiếp tục thí điểm sản xuất thực đội MBH dành cho phụ nữ dân tộc” - ông Khuất Việt Hùng nói.

Châu Như Quỳnh

 

 

 

“Nóng” tranh luận về mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ người dân tộc - 4