Nhà khoa học TPHCM đang “chạy” về các tỉnh?

(Dân trí) - Chất vấn Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho rằng đang xảy ra tình trạng các nhà khoa học ở TPHCM bỏ về tỉnh làm đề tài nghiên cứu khoa học. Bà đặt vấn đề: “Phải chăng thủ tục ở tỉnh dễ hơn, họ trân trọng nhà khoa học hơn và kinh phí xác đáng hơn?”.

Ngày 12/7, kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Sở Khoa học - Công nghệ (KHCN) và Sở Lao động - Thương binh & Xã hội.

Trong hơn 2 giờ đồng hồ, 18 đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở KHCN về các vấn đề nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp như: Chính sách thu hút chuyên gia giỏi trong nước và nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới sáng tạo; sử dụng tốt nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất…

Nhìn chung các đại biểu HĐND TP cho rằng sự phát triển khoa học công nghệ của TPHCM hiện nay chưa xứng tầm với 1 thành phố lớn, dẫn đầu nền kinh tế cả nước. Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân còn cho biết: hiện nay có tình trạng các nhà khoa học ở thành phố về tỉnh làm đề tài nghiên cứu khoa học. Bà đặt vấn đề: “Phải chăng thủ tục ở tỉnh dễ hơn, họ trân trọng nhà khoa học hơn và kinh phí sát đáng hơn?”.

Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi quanh chuyện nghiên cứu khoa học công nghệ của TP chưa tương xứng với tầm vóc, quy mô nền kinh tế
Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi quanh chuyện nghiên cứu khoa học công nghệ của TP chưa tương xứng với tầm vóc, quy mô nền kinh tế

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở KHCN Nguyễn Việt Dũng đã có bài nói chuyện dài hàng chục phút về quy định, chính sách hợp tác nghiên cứu mà không có chế tài phạt như các nước tiên tiến nên hiệu quả chưa cao... Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm ngắt lời và yêu cầu ông Dũng đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi của đại biểu vì hội nghị không có nhiều thời gian.

Lúc này, ông Dũng cho rằng: “Nói các nhà khoa học về tỉnh làm nghiên cứu thì phải có số liệu cụ thể rõ ràng. Nhưng nếu có chuyện chuyển dịch như vậy cũng không có gì xấu cả!”.

Theo ông, điều đó thể hiện sự hỗ trợ của TPHCM với sự phát triển các tỉnh lân cận, nhất là trong bối cảnh hợp tác giữa các tỉnh. Đây là câu chuyện bình thường, nhà khoa học có thể đăng ký nghiên cứu đề tài ở các địa phương. Thậm chí ở Sở KHCN TPHCM còn có nhiều đề tài nghiên cứu đăng ký hỗ trợ các tỉnh như nghiên cứu về giống cây trồng, vật nuôi mới...

Giám đốc Sở KHCN Nguyễn Việt Dũng cho rằng chuyện chuyển dịch là bình thường, không có gì xấu
Giám đốc Sở KHCN Nguyễn Việt Dũng cho rằng chuyện chuyển dịch là bình thường, không có gì xấu

Còn về thủ tục, ông Dũng khẳng định thủ tục đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học theo quy định của Bộ nên tỉnh nào cũng như nhau, không có gì khác. Ông nói: “Chúng tôi đã cố gắng đơn giản nhất có thể nhưng vẫn phải chấp hành đúng thủ tục của nhà nước”.

Còn về kinh phí, ông Dũng khẳng định là kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ của TPHCM rất lớn, có thể nói là lớn nhất so với các tỉnh phía nam. Hỗ trợ phần trả lời của Sở KHCN, bà Phan Thị Thắng - Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, cho biết kinh phí dành cho đầu tư phát triển KHCN luôn được TP chi 2% ngân sách theo quy định, tổng chi giai đoạn 2011 - 2015 làm tròn là 4.816 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2015, thành phố chi 1.882 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, chiếm 3,45% chi thường xuyên; năm 2016 chi 2.023 tỷ đồng, chiếm 3,17% chi thường xuyên; năm 2017 chi 1.649 tỷ đồng, chiếm 2,33% chi thường xuyên; năm 2018 chi 1.318 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận là số giải ngân và số quyết toán rất thấp.


Bà Phan Thị Thắng - Giám đốc Sở Tài chính TPHCM

Bà Phan Thị Thắng - Giám đốc Sở Tài chính TPHCM

Còn đại biểu Cao Thanh Bình thì chất vấn về hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Theo ông, hoạt động này chưa tương xứng với quy mô kinh tế, vị thế cũng như ngân sách mà TPHCM đầu tư vào khoa học công nghệ. Ngoài ra, việc kết nối giữa viện, trường và doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo chưa hiệu quả.

Đại biểu Lê Minh Đức đề cập đến vấn đề tỷ lệ đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất thấp (chỉ 33%).

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, trong giai đoạn 2016-2018, TPHCM có trên 300 đề tài đã được nghiệm thu và gần 90% đề tài đã chuyển giao. Trong đó, nhiều nghiên cứu chuyển giao ngay lập tức cho doanh nghiệp và sản xuất, bán ra thị thường và được đón nhận.

Giải thích về tỷ lệ ứng dụng có hiệu quả thấp, ông Dũng cho nguyên nhân là vì kinh phí nghiên cứu thấp và đã nghiên cứu thì có thành công, có thất bại. Ông nói: “Chúng ta thử hình dung, 90% đề tài có ứng dụng nhưng kinh phí nghiên cứu 300 đề tài chỉ khoảng 200 tỷ đồng”. Ông dẫn chứng, ở Nhật thì 1 đề tài của 2 giáo sư thực hiện trong 3 năm có kinh phí lên đến 20 - 30 triệu USD.

“Làm khoa học thì không thể đơn giản là tất cả đều có hiệu quả. Chúng tôi đều muốn như vậy. Nưng thực tế là chỉ cần thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm là chúng tôi đã làm, còn nếu đòi hỏi 100% có kết quả ứng dụng là không thể nào!”, ông bổ sung thêm.


Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho là phần trả lời của Giám đốc Sở KHCN còn chung chung, chưa đi sâu vào vấn đề mà đại biểu đặt ra

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho là phần trả lời của Giám đốc Sở KHCN còn chung chung, chưa đi sâu vào vấn đề mà đại biểu đặt ra

Kết thúc phần trả lời chất vấn của Sở KHCN, bà Quyết Tâm đánh giá đại biểu đã đặt ra rất nhiều câu hỏi hay, tâm huyết, đi vào nhiều vấn đề thực tiễn nhưng phần trả lời lại mang tính chung chung, không giải quyết được vấn đề.

Bà nói: “Trong khi đại biểu hỏi các nhà khoa học chạy về các tỉnh, các tỉnh chiêu mộ, câu hỏi rất sâu sắc nhưng câu trả lời lại chạy vòng vòng. Tôi đề nghị Chủ tịch UBND tiếp tục chỉ đạo sâu sát để khoa học công nghệ thành phố phát triển mạnh mẽ hơn”.

Tùng Nguyên - Quốc Anh