1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Nhà đầu tư ngoại rút khỏi dự án “khủng” vì thiếu đất sạch

(Dân trí) - Sau hơn 2 thập kỷ “ngủ say” trên giấy, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa vẫn chưa thể khởi động vì doanh nghiệp nước ngoài rút lui. Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM cho biết, nhà đầu tư rút lui vì họ cần đất sạch, trong khi đó TPHCM muốn làm việc này thì phải qua nhiều thủ tục và tốn thời gian.

Rút kinh nghiệm bài toán đất sạch

Tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND TPHCM diễn ra ngày 28/7, ông Sử Ngọc Anh – Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM đã thông tin đến báo chí về việc nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.

Theo ông Sử Ngọc Anh, dự án đã kéo dài từ năm 1992 cho đến nay. Chủ trương của TP là tìm kiếm những nhà đầu tư tiềm năng nhưng đã kéo dài hơn 20 năm. Trải qua nhiều giai đoạn, sau này dự án được giao cho Bitexco và họ liên danh với tập đoàn Emmar Properties PJSC.

Bán đảo Thanh Đa nằm giữa bốn bề sông nước
Bán đảo Thanh Đa nằm giữa bốn bề sông nước

“Tại sao tập đoàn này lắm tiền nhiều của mà người ta rút? Ở đây có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Họ cần đất sạch, đơn giá cụ thể. Trong khi mình muốn định giá đất người dân đang ở thì qua nhiều thủ tục. Trong quá trình đàm phán, họ xin rút khỏi dự án. Dự án này không thể một sớm một chiều làm được”, ông Anh nói.

Ông Sử Ngọc Anh cho biết, sau khi nhà đầu tư rút thì chỉ còn lại tập đoàn Bitexco và TP có văn bản trình lại để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Trước câu hỏi của báo chí về năng lực của Bitexco liệu có thể đảm đương nổi dự án vì hiện tại đơn vị này được giao nhiều dự án “đất vàng” nhưng chưa triển khai, ông Sử Ngọc Anh cho biết vấn đề này cơ quan chuyên môn sẽ thẩm định.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng thừa nhận: “Cái khó của chúng ta là trả lời câu hỏi khi nào giao đất cho nhà đầu tư, tổng mức đầu tư là bao nhiêu, chi phí cụ thể thế nào… Chúng ta đang vướng vấn đề này”. Theo ông, bài học kinh nghiệm cho thấy thu hút được đầu tư là phải nhờ vào đất sạch.

Ông Hoan cho biết quan điểm của TP là tiếp tục triển khai dự án để có khu dân cư khang trang hiện đại. Việc này vừa phục vụ cho người dân tại chỗ và cho đầu tư phát triển.

“Thanh Đa là dự án lớn, đòi hỏi phương án khả thi, nhà đầu tư có năng lực. Hiện nay mình đang rất khó khăn. TP đã báo cáo Thủ tướng để chọn nhà đầu tư. Quan điểm của TP là để nhà đầu tư cũ tiếp tục triển khai dự án. Nếu quay lại thì hết 5 năm nữa để có nhà đầu tư mới, lại đi một vòng thủ tục”, ông Hoan nhấn mạnh.

Dự án “đắp chiếu” hơn 20 năm

Theo quy hoạch, nhiều dự án kết nối giao thông giữa bán đảo Thanh Đa với vùng lân cận
Theo quy hoạch, nhiều dự án kết nối giao thông giữa bán đảo Thanh Đa với vùng lân cận

Được biết, năm 1992 dự án Thanh Đa - Bình Quới được UBND TPHCM phê duyệt và đến năm 2004 dự án đã được TPHCM giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được dự án và đến năm 2010 chính quyền TPHCM đã thu hồi quyết định.

Sau đó, một đơn vị trong nước được UBND TPHCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28.

Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của UBND quận Bình Thạnh, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư - công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án.

Theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ.

Quốc Anh