Bến Tre:

Người đàn ông chăm nuôi “người dưng” 91 tuổi như mẹ ruột

(Dân trí) - Mấy năm nay, ông Trương Minh Thái, 65 tuổi (ngụ khu phố 1, phường 4, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) chăm sóc cụ bà 91 tuổi neo đơn như mẹ ruột của mình.

Người may mắn được ông Thái bỏ công chăm sóc là cụ bà Phạm Thị Thời, 91 tuổi chỉ ở cách nhà ông 10m. Hoàn cảnh của cụ Thời rất đáng thương khi chồng và con mất trước giải phóng, một mình bươn chải tự lo cho cuộc sống. Tuổi càng cao, cụ không thể chăm sóc bản thân cũng như nấu ăn nên ông Thái qua lo lắng từng miếng ăn cho cụ như chính người mẹ ruột của mình.

Ông Thái ngày ngày chăm sóc bà lão 91 tuổi

Ông Thái kể lại: “Hồi tôi còn nhỏ, cụ Thời đã về đây ở nhờ trên đất người hàng xóm tính ra đã hơn 50 năm. Lúc đó, cụ còn khỏe nên gánh trái cây ra chợ bán kiếm từng đồng nuôi sống bản thân. Sau này, sức khỏe yếu, không làm lụng được nữa nên cụ ở nhà sống bằng tiền trợ cấp xã hội và sự giúp đỡ của bà con chòm xóm”.

Năm 2005, cụ Thời hay đau yếu khi trái gió, trở trời nên gia đình ông Thái thường xuyên qua nhà chăm sóc như người thân trong nhà. Ban đầu chỉ có vợ ông Thái chăm sóc nhưng cuối năm 2006, người vợ qua đời nên ông Thái thay vợ chăm sóc cho bà cụ. Ông Thái cho biết: “Thấy cụ ở một mình già yếu, mắt mờ, lãng tai nên tui kêu con dâu nấu cơm chừa một phần để hàng ngày đem qua cho cụ. Vậy là thành thói quen, nếu tôi đi vắng thì mấy đứa con qua chăm sóc chứ không bỏ cụ ngày nào cả. Tôi không suy nghĩ gì, chỉ thấy bà cụ không con cháu nên coi như mẹ ruột của mình vậy”.

Tận tình chăm sóc như mẹ ruột của mình
Tận tình chăm sóc như mẹ ruột của mình

Năm 2010, cụ Thời bị nhồi máu cơ tim cấp phải nhập viện cấp cứu. Ông Thái phải bỏ việc nhà đưa cụ đến bệnh viện và một tay chăm sóc đến lúc xuất viện về nhà. Số tiền trợ cấp xã hội cho người già mấy trăm ngàn mỗi tháng chẳng thấm vào đâu nên ông phải bỏ tiền túi ra lo. Đến khi xuất viện về nhà, ông Thái vừa lo thuốc thang lại chở cụ đi bệnh viện tái khám, lo tất tần tật như người con đối với mẹ của mình. Nhiều người thấy việc làm của ông vô cùng cảm phục, bà con trong xóm lâu lâu mang trái cây, gạo để góp với ông phụ lo cho bà cụ.

Ông Thái bộc bạch: “Thấy cụ neo đơn lại già yếu bệnh tật nên bà con trong xóm ai cũng thương. Thật ra, tôi có điều kiện lại gần gũi nên lo nhiều, những hộ xung quanh cũng thường hay đến giúp đỡ, lo lắng cho bà cụ. Thời gian gần đây, bà sức yếu không thể tắm rửa được nên cô Liên ở kế bên cũng chạy sang tắm cho bà”.


Hàng ngày ông Thái đều mang cơm, thuốc uống cho cụ Thời

Hàng ngày ông Thái đều mang cơm, thuốc uống cho cụ Thời

Buổi trưa, ông Thái mang cơm sang cho bà cụ ăn như mọi khi. Vừa đến cửa, gọi mấy tiếng bà cụ từ trong buồng nói vọng ra: “Tư mới qua hả con?”. Ông Thái vội bỏ tô cơm đi vào buồng lấy dép mang vào chân, đỡ bà cụ ngồi dậy rồi dìu ra ngoài. Vừa ngồi xuống bàn cụ đã xua tay bảo: “Bữa nay bây để tao tự múc cơm ăn được rồi”. Tuy nhiên, do mắt mờ nên bà lão lại lọ mọ múc cơm, múc canh. Thấy vậy ông Thái nói: “Thôi, cô để con múc chứ không thấy đường sao ăn được!”, rồi ông cầm lấy múc từng muỗng cơm, canh cho bà lão ăn.

Cho bà lão ăn cơm xong, ông lại dìu vào buồng nằm nghỉ rồi lại dọn dẹp những thứ lặt vặt trong nhà. Ông Thái cho biết: “Ngày nào cũng vậy sáng thì đem sữa đến trưa và chiều thì mang cơm sang cho bà lão ăn. Sau cữ cơm lại mang thuốc tim mạch qua cho uống chứ không dám để thuốc bên đây vì bà lão không thấy đường sợ uống nhầm”.

Bà lão 91 tuổi neo đơn may mắn được người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ.
Bà lão 91 tuổi neo đơn may mắn được người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ.

Ông cần mẫn làm việc chăm sóc “người dưng” suốt nhiều năm liền mà chẳng hề ca thán điều gì. Tuy vậy ông Thái vẫn lo lắng: “Hiện tại ngôi nhà gỗ, mái ngói của cụ Thời đã xuống cấp nặng nhưng chính quyền muốn xây nhà tình thương cũng không được vì đất này ở nhờ của người khác. Mấy lần chính quyền vận động cụ vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội để có bác sĩ chăm sóc nhưng lúc cụ chịu đi lúc lại đòi ở lại vì bỏ nhà không ai trông coi”.

Ông Nguyễn Viết Cường, Chủ tịch UBND phường 4 cho biết: “Hoàn cảnh của cụ Thời rất đáng thương khi neo đơn lại tuổi cao, sức yếu. Vì vậy việc làm của ông Thái là nghĩa cữ hết sức cao đẹp, là tấm gương để nhiều người noi theo. Hiện tại căn nhà của cụ đã xuống cấp, ở không đảm bảo trong mùa mưa bão nên UBND Phường đang làm hồ sơ đề nghị gửi cụ vào Trung tâm bảo trợ xã hội để cụ được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt hơn”.

Những người hàng xóm cũng hay đến thăm hỏi, giúp đỡ bà lão
Những người hàng xóm cũng hay đến thăm hỏi, giúp đỡ bà lão

Trong lúc chờ hoàn tất hồ sơ đưa bà cụ vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội, ngày ngày ông Thái vẫn cần mẫn sang chăm sóc như chính người thân của mình dù chẳng quan hệ họ hàng gì. Việc làm nhân văn của ông được bà con chòm xóm và mấy đứa con của ông ủng hộ, thán phục. Tuy vậy, ông vẫn cho rằng đó là việc làm hết sức bình thường: “Những người khác nếu là hàng xóm láng giềng của bà cụ cũng sẽ giúp bà y hệt như gia đình tôi” – ông Thái bộc bạch.

Hoàng Trung