Vì sao bố mẹ bé Nhật Linh tha thiết xin chữ ký đề nghị tử hình nghi phạm?
(Dân trí) - Theo ông Hirota Fushihara - chuyên gia pháp lý người Nhật, đang sống và làm việc ở Việt Nam - việc xin chữ ký của bố mẹ cháu Nhật Linh (bé gái 8 tuổi bị sát hại tại Nhật) là hoàn toàn có cơ sở theo chế độ pháp luật hình sự của Nhật Bản và được xã hội chấp nhận. Viện kiểm sát và tòa án tiếp nhận những tư liệu đó làm một phần chứng cứ liên quan đến các yếu tố tăng nặng.
Ngày 24/3/2017, cháu Lê Thị Nhật Linh (8 tuổi) được phát hiện mất tích khi đi học. 2 ngày sau, Nhật Linh được phát hiện trong tình trạng thi thể không quần áo tại một bờ sông ở thành phố Akibo, Chiba, Nhật Bản. Cảnh sát Nhật Bản đã bắt nghi phạm Kamimasa Shibuya (40 tuổi, Chủ tịch Hội Phụ huynh học sinh của ngôi trường bé Nhật Linh đang theo học) sau khi thu thập được bằng chứng như mẫu ADN và tóc của Nhật Linh trong xe hơi của người này. Tuy nhiên, Kamimasa Shibuya vẫn im lặng từ khi bị bắt cho đến nay khiến vụ án phải kéo dài.
Gia đình bé Nhật Linh mong muốn mọi người cho chữ ký để yêu cầu áp dụng tử hình nghi phạm Shibuya Takamasa. Tại Nhật Bản phải xin đủ 50.000 chữ ký mới chứng tỏ đây là vấn đề cộng đồng quan tâm, lên án và mong muốn thay đổi. Ngay lập tức việc này tạo ra những luồng ý kiến khác nhau.
Dân trí xin giới thiệu ý kiến của ông Hirota Fushihara - chuyên gia pháp lý người Nhật, đang sống và làm việc ở Việt Nam về câu chuyện này.
Xin chữ ký là mong muốn để cho hung thủ phải chịu mức án cao nhất
“Trên mạng xã hội Facebook đang lan truyền rất nhiều thông tin và có một số thông tin chưa chính xác về tình hình đang diễn ra về thủ tục tố tụng hình sự đối với bị cáo đang đươc tiến hành tố tụng vụ án, là thực hiện một số tội danh bao gồm hành vi giết hại cháu Nhật Linh.
Theo thông tin chính thức, bị cáo cho vụ án này đã được truy tố vào ngày 26/3/2017 bởi các tội danh bao gồm tội giết người. Theo pháp luật tố tụng hình sự của Nhật Bản, khi nào viện kiểm sát truy tố bị cáo thì tòa án phải đưa ra xét xử. Tòa án không phải và cũng như không có thủ tục nào mang tên là quyết định đưa ra xét xử.
Vì vậy, không có chuyện tòa án chưa có quyết định đưa vụ việc này vào xét xử. Cũng như không có chuyện chúng ta cần ký tên nhằm yêu cầu tòa án đưa vụ án này vào xét xử.
Theo pháp luật tố tụng hình sự, sau khi có truy tố, tòa án sẽ tổ chức một số thủ tục chuẩn bị và chuẩn bị xong mới mở phiên tòa công khai. Theo đó, chúng ta có thể hiểu rằng, hiện nay tòa án đang tổ chức các cuộc họp có sự tham gia của bị cáo (luật sư bào chữa cho bị cáo) và viện kiểm sát để trao đổi về những vấn đề liên quan đến những chứng cứ đang có và những chủ trương của hai bên. Qua đó, Tòa án thu xếp những vấn đề pháp lý nào, những vấn đề của chứng cứ nào cần được làm rõ thêm trong phiên tòa công khai sẽ diễn ra.
Khi nào tòa án thấy có đủ chuẩn bị để mở phiên tòa công khai thì Tòa án sẽ thông báo về thời điểm phiên tòa công khai được mở.
Theo lẽ thông thường của Nhật Bản, những vụ án nào mà bị cáo im lặng sẽ phải tốn thời gian để đảm bảo tính thận trọng của việc chứng minh. Vì thế, chúng ta cần hiểu rằng tòa án vẫn đang chuẩn bị và thực hiện những thủ tục cần thiết theo pháp luật.
Theo thông tin trên báo, gia đình bé Nhật Linh đi xin chữ ký là muốn hung thủ phải chịu mức án cao nhất trong hệ thống luật pháp Nhật Bản.
Kết hợp với những giải thích về tình hình vụ án mà tôi đã nói ở trên thì có thể hiểu rằng ý nghĩa của việc thu thập chữ ký không phải là để đưa vụ án này vào xét xử. Bố mẹ cháu Nhật Linh mong muốn cho tòa án hiểu, cảm thông và chia sẻ về cảm xúc cũng như suy nghĩ của mình để tòa án đưa ra mức án cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhật Bản.
Khi nào tuyên tử hình?
Pháp luật hình sự của Nhật Bản không có quy định về những điều kiện, hoàn cảnh, hay tiêu chí về mặt pháp lý như thế nào thì tòa án có thể/cần phải tuyên án tử hình. Tuy nhiên, trong bản án trước đây của tòa án tối cao về một vụ việc giết người, đã được tuyên vào ngày 8/7/1983, tòa án tối cao đã nêu về những yếu tố làm cơ sở để tòa án có thể tuyên tử hình. Và hiện nay những yếu tố mà đã được nêu trong bản án đó được coi là án lệ.
Những yếu tố đã được nêu trong án lệ đó là những yếu tố được mô tả một cách trừu tượng, nhưng trong thực tiễn xét xử cho đến nay có thể cho thấy rằng số người bị hại (bị giết) cũng là yếu tố được coi trọng. Tuy nhiên, dư luận cũng như giới chuyên môn pháp luật hình sự cũng có nhiều ý kiến không thuận với thực tiễn xét xử, và cũng có xuất hiện một số bản án có vẻ muốn thay đổi khuynh hướng thực tiễn xét xử.
Pháp luật Nhật Bản quy định, việc chứng minh có tội hay không chỉ được xác định theo chứng cứ định tội danh. Trong phần này, những chữ ký của người dân không được xem xét. Nhưng khi tòa án xem xét mức hình phạt, tòa án sẽ xem xét nhiều yếu tố một cách tổng hợp.
Theo nguyên tắc, quy phạm pháp luật được đưa ra theo các văn bản pháp luật thực định. Nhưng pháp luật thực định nào đều cần phải được diễn giải. Mức độ, tính chất phải chịu trách nhiệm hình sự của một tội danh, hành vi nào đó có thể được tác động bởi nhiều yếu tố tại thời điểm xét xử. Trong đó là ý thức, cảm xúc của xã hội nói chung đối với hành vi tội phạm đó.
Cho đến nay, tại Nhật Bản có nhiều gia đình nạn nhân của tội giết người cũng đã tổ chức kêu gọi người dân ký tên ủng hộ mong muốn của gia đình nạn nhân. Xã hội Nhật Bản coi đây là một việc làm chính đáng.
Trên mạng xã hội, bao gồm Facebook cho thấy không ít các bạn Việt Nam ở Việt Nam cũng như ở Nhật Bản có những nhận định và ý kiến không chính xác và không thiện chí.
Ký hay không ký?
Theo dõi trên Facebook tôi thấy có rất nhiều nhận thức không đúng với chế độ pháp luật Nhật Bản. Chữ ký là một trong rất nhiều tư liệu để tòa án xem xét về cảm xúc của xã hội tại thời điểm xét xử, bởi cơ sở của tính chất phải chịu trách nhiệm hình sự của mỗi phạm tội có sự thay đổi theo sự biến hóa của tình hình xã hội đương đại. Ý thức và cảm xúc xã hội cũng là một nền tảng để diễn giải pháp luật thành văn thực định. Ai biết pháp luật thì đều hiểu rằng quy phạm pháp luật thực định không phải là bất biến, cố định mặc dù câu chữ của pháp luật thành văn không thay đổi.
Có người có thể nói rằng, “khi xem pháp luật hình sự Nhật Bản cũng không thấy chỗ nào quy định thành văn nào cho phép tòa án xem xét hình phạt theo cảm xúc và ý thức xã hội”. Nhưng cách đọc pháp luật này là không đúng theo nguyên lý cũng như cách diễn giải quy phạm pháp luật như tôi vừa nêu trên.
Một điều nữa cần được nhắc lại rằng, theo pháp luật Nhật Bản, việc chứng minh có tội hay không chỉ được xác định theo chứng cứ định tội danh. Trong phần này, những chữ ký của người dân không được xem xét. Do đó, cảm xúc xã hội hay ý thức xã hội nói chung sẽ không bao giờ can thiệp vào nguyên tắc suy đoán vô tội.
Cho đến nay tại Nhật Bản đã có nhiều gia đình nạn nhân cũng đã tổ chức kêu gọi người dân ký tên ủng hộ mong muốn của gia đình nạn nhân. Viện kiểm sát cũng như tòa án tiếp nhận những tư liệu đó làm một phần chứng cứ liên quan đến các yếu tố tăng nặng. Do đó, việc làm của bố mẹ cháu Nhật Linh là hoàn toàn có cơ sở theo chế độ pháp luật hình sự của Nhật Bản và xã hội chấp nhận.
Với việc tham gia, hỗ trợ xin chữ ký của bố mẹ cháu Nhật Linh, chúng ta cần phải tỉnh táo và tự suy nghĩ, tự tìm hiểu, tự định đoạt với trách nhiệm của mình. Khi nào mỗi người chúng ta thấy mình tự tin rằng mình không quyết định theo đám đông thì mới nên định đoạt quyết định của mình.
Bố mẹ cháu Linh chắc cũng mong muốn được nhiều chữ ký của các bạn Nhật Bản nên đã soạn thư chia sẻ bằng tiếng Nhật, viết blog bằng tiếng Nhật và cũng trả lời phỏng vấn của báo chí Nhật Bản để kêu gọi ủng hộ của các bạn Nhật Bản từ rất lâu. Đây là quá trình giao lưu, đối thoại giữa bố mẹ cháu Linh với cộng đồng Nhật Bản. Quá trình này rất ít khả năng phát sinh hiện tượng hoặc hiệu ứng đám đông, bởi mọi người đều có cơ hội để biết và nghe những suy nghĩ của bố mẹ cháu, cũng như hiểu được những nền tảng pháp lý cho sự cần thiết của chữ ký.
T.K (ghi)