Cần Thơ:
Lãnh đạo thành phố “bần thần” khi nghe án dân sự tồn đọng nhiều
(Dân trí) - Theo Cục thi hành án dân sự TP Cần Thơ, lượng án chuyển kỳ trước qua kỳ sau không giảm và có chiều hướng tiếp tục tăng, dẫn đến việc án tồn đọng còn nhiều. Đáng quan ngại là án có điều kiện nhưng chưa được thi hành số tiền lên đến 1.700 tỷ đồng!
Hàng nghìn tỷ đồng án có điều kiện nhưng chưa được thi hành
Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo thi hành án dân sự, ông Nguyễn Viết Xuân, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP Cần Thơ “báo động”, trong 10 tháng gần đây, cơ quan này đã phải “ôm” thụ lý gần 13.500 việc, gồm số cũ chuyển sang 5.470 việc; thụ lý mới 8.024 việc. Công tác thi hành án dân sự trong năm 2016 dù ghi nhận có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp yêu cầu thực tiễn đặt ra.
10 tháng qua, tổng số tiền thụ lý là hơn 2.900 tỷ, tăng 145 tỷ đồng (5,23%) so với cùng kỳ. Trong đó, có 2.200 tỷ đồng có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 85,11%) và 386 tỷ đồng chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 14,89%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 495 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 22,46% (so với chỉ tiêu được giao còn thiếu 7,54%). So với cùng kỳ năm 2015, giảm 38 tỷ đồng. Số tiền chuyển kỳ sau gần 2.100 tỷ đồng, trong đó số án có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 1.700 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Viết Xuân nhìn nhận việc thi hành án vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, việc và giá trị thi hành xong không theo kịp mức độ tăng của án thụ lý mới; lượng án kỳ trước chuyển kỳ sau không giảm và có chiều hướng tiếp tục tăng, dẫn đến việc án tồn động còn nhiều.
Rất nhiều lý do được người có trách nhiệm của Cần Thơ viện dẫn ra về việc án tồn đọng như: Nhiều trường hợp người phải thi hành án thật sự có khó khăn do chưa có điều kiện thi hành án, nhiều trường hợp cưỡng chế di dời, nhưng họ chỉ có một nơi ở duy nhất lại rơi vào hộ nghèo, hộ chính sách… nên rất khó thi hành án.
Bên cạnh đó cũng rất nhiều hộ trốn tránh, tẩu tán tài sản; công tác phối hợp với cơ quan quản lý đất đai còn vướng mắc, nhất là việc đo vẽ lập hồ sơ kỹ thuật trong việc kê biên quyền sử dụng đất; cưỡng chế giao đất hồ sơ làm rất lâu (phổ biến là 5 tháng mới xong 1 vụ), nhiều vụ việc cơ quan thi hành án phải năn nỉ Chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử đụng đất…
Sẽ kỷ luật chấp hành viên, cán bộ làm ăn lề mề?
Ngoài ra ông Nguyễn Viết Xuân – Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP Cần Thơ - cũng nêu nguyên nhân, do năng lực của Chấp hành viên chưa cao, chưa tích cực cập nhật kiến thức, trau dồi nghiệp vụ, chưa nêu cao tinh thần công tác; một số thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chưa làm tốt vai trò lãnh đạo quản lý, nhất là trong kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở xử lý chấp hành viên, thư ký có vi phạm; trong tham mưu cho Cấp uỷ, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn còn hạn chế.
Liên quan đến vấn đề này ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch thường trực, Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án dân sự Cần Thơ cho biết: “Tôi nghe báo cáo xong mà bần thần, tôi đề nghị Cục trưởng, Cục phó phải thật sự quyết đoán. Tôi nói thẳng, bắt buộc đến cuối tháng 9 này, việc án có điều kiện phải đạt 70%, về tiền phải đạt 30%. Nếu không đạt không hoàn thành nhiệm vụ”.
Ông Tâm cũng đề nghị lãnh đạo cục, phụ trách thẩm tra xuống địa bàn rà soát, kiểm tra uốn nắn tinh thần trách nhiệm của anh em cấp dưới, phải giáo dục về tinh thần trách nhiệm. Phải quan hệ với cấp ủy địa phương, tổ chức kiểm điểm, cần thiết là kỷ luật một số chấp hành viên, cán bộ làm ăn lề mề.
“Tới đây, nếu vẫn không hoàn thành nhiệm vụ thì không cho làm chấp hành viên nữa, phải điều động sang làm nhiệm vụ khác. Thi hành án mà dồn cả đống như vậy là không được. Làm thì ra làm, chơi thì ra chơi. Còn không thì nghỉ. Hồ sơ thi hành án cả đống mà không đôn đốc nhắc nhở, kiểu làm ăn này tôi không đồng ý. Tôi đề nghị các đồng chí phải xem lại cách làm việc của mình. Phải lập lại trật tự kỷ cương”- ông Tâm bức xúc nói.
Ông Tâm yêu cầu, thời gian tới, Cục thi hành án Dân sự phải liên hệ với các sở ngành, phòng ban, đặc biệt là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để công tác thi hành án được nhanh hơn. “Nếu anh nào gây khó khăn cho công tác thi hành án thì các anh đang làm nhiệm vụ có trách nhiệm làm văn bản báo cáo cho cấp trên, thông tin cho báo chí là chỗ này, chỗ kia gây khó khăn. Tôi cũng đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường “điều binh khiển tướng” cho đàng hoàng. Tới đây thi hành án "phán" việc thi hành án không hoàn thành là do Phòng Đăng ký sử dụng đất của Sở TN&MT không có tác phong phối hợp thì mấy anh lãnh đủ” - ông Tâm cảnh báo.
Phạm Tâm
BOX: Theo ông Nguyễn Viết Xuân – Cục trưởng Cục thì hành án dân sự TP Cần Thơ: Trên địa bàn hiện có 11.274 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 85,24 và 1.952 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 14,76%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 6.677 việc, đạt tỷ lệ 59,22% (so với chỉ tiêu được giao còn thiếu 11,78%). So với cùng kỳ năm 2015, tăng 172 việc (2,64%) và giảm 11,78% về tỷ lệ. Số việc chuyển kỳ sau 6.549 việc, trong đó số có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 4.597 việc, so với số việc có điều kiện thi hành năm 2015 chuyển sang năm 2016 tăng 515 việc (12,62%).