1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Làm thế nào để đối phó với đối tượng “ngáo đá”?

Những vụ giết người dã man do thủ phạm bị “ngáo đá” xảy ra thời gian gần đây khiến người dân lo sợ. Vậy khi gặp đối tượng này chúng ta cần làm gì?

Người “ngáo đá” thường không kiểm soát được hành vi của mình nên khi thấy người bị “ngáo đá”, mọi người không nên xúm đông xúm đỏ lại xem dễ khiến đối tượng kích động, có những hành động nguy hiểm. Người dân cũng không nên một mình lao vào khống chế đối tượng bị “ngáo đá”, nhất là khi họ có hung khí, mà nên gọi điện thoại ngay cho các cơ quan chức năng.

Đối tượng “ngáo đá” bắt cóc bé trai ở siêu thị Fivimax (Tây Hồ, Hà Nội) ngày 4/10.
Đối tượng “ngáo đá” bắt cóc bé trai ở siêu thị Fivimax (Tây Hồ, Hà Nội) ngày 4/10.

Do không nhận thức được hành vi, người bị “ngáo đá” sẵn sàng ra tay sát hại cả người nhà, bởi thế nên học cách phòng tránh. Nếu trong nhà có người thân trong tình trạng bị “ngáo đá”, thì tìm cách quản lý họ như nhanh chóng nhốt đối tượng trong phòng để họ khỏi gây nguy hiểm cho những người còn lại và cho xã hội. Còn trong trường hợp không nhốt được đối tượng trong phòng mà thấy họ có biểu hiện kích động thì những người còn lại nên chạy vào phòng khác chốt cửa lại, gọi điện cho cơ quan chức năng đến cứu giúp.

TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc có tác dụng trong vòng 24 - 72 giờ mới thuyên giảm. Nếu đối tượng đang phê thuốc, việc đầu tiên là tìm cách cách ly đối tượng, không nên để đồ sắt nhọn, dây rợ xung quanh người bệnh. Khi đối tượng có rối loạn tâm thần do hoang tưởng bị hại, họ sẽ tấn công và gây sát thương cho những người xung quanh, vì thế cần tránh những việc gây kích động cho đối tượng như không để họ nghe những tiếng loảng xoảng bởi họ dễ nghĩ là họ đang bị tấn công và họ sẽ tìm cách tấn công lại.

Theo tư vấn của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD, khi bị người “ngáo đá” đe doạ, điều quan trọng nhất là bình tĩnh và hãy cuốn theo dòng hoang tưởng của họ. Nghĩa là nếu đối tượng “ngáo đá” nói: “Có người đuổi theo truy sát” thì người nhà cần có thái độ rất ân cần, đồng cảm, nói nhẹ nhàng: “Hãy yên tâm, đã bố trí người canh gác cẩn thận, bảo vệ rất chu đáo rồi…”.

Sau khi dòng hoang tưởng bị ngắt quãng, lấy đá lạnh chườm lên trán và khắp cơ thể đối tượng. Thân nhiệt người “ngáo đá” hạ xuống, họ sẽ khát nước, thèm ăn, cường độ hoang tưởng thưa dần, họ sẽ thèm ngủ, buồn ngủ. Khi đối tượng thoát khỏi cơn “ngáo đá”, người nhà nên nhanh chóng đưa đến các trung tâm cai nghiện, giúp họ phục hồi và lấy lại tinh thần.

Theo VOV2