1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kì công với thú vui huấn luyện "chúa tể bầu trời"

Nuôi đại bàng, chim ưng, chim cắt... hay gọi chung là chim săn mồi là một thú chơi của các bậc vua chúa, quý tộc thời xưa. Thế nhưng hiện nay, đó đã là một trong những sở thích của nhiều người. Tuy nhiên, niềm đam mê này vẫn đòi hỏi người chơi phải có điều kiện kinh tế khá giả và phải bỏ nhiều thời gian, công sức để có thể làm chủ được những chú chim được mệnh danh là "chúa tể bầu trời"...

Không phải thú vui phong trào

Phong trào nuôi chim săn mồi nở rộ tại Việt Nam vài năm trở lại đây và theo thời gian sàng lọc, chỉ còn những người thật sự đam mê, yêu quý những loại chim này mới trụ lại được. Bởi lẽ, gọi là phong trào nhưng đây không phải là thú vui dành cho người nuôi theo phong trào bởi nuôi các loài chim này đòi hỏi sự kì công chăm sóc và phải tìm tòi nghiên cứu đặc tính của từng loài mình nuôi trước khi sở hữu chúng. Trên mạng xã hội, đã có nhiều diễn đàn được lập để hướng dẫn nuôi chim đại bàng, chim ưng, chim cắt... Đây còn là nơi những người có cùng đam mê trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Như có một quy định bất thành văn với những người có niềm đam mê này và bắt đầu có ý định nuôi chim săn mồi đó là phải có đủ khả năng tài chính, đủ quỹ thời gian, biết tự tìm hiểu, tự học và dám theo đuổi. Chỉ khi xác định mình đã đáp ứng được những điều kiện đó, người chơi mới nên làm các thủ tục để sở hữu một chú chim săn mồi. Mỗi người chơi cần có khoảng hai năm đào tạo về chăm sóc và huấn luyện chim để thành thục các kĩ năng nuôi chim săn mồi. Hiện tại, ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào nên hầu như những người nuôi đều là tự phát.

Hai chú đại bàng có giá hàng trăm triệu của anh em Việt Anh - Nhật Anh (TP Hồ CHí Minh).
Hai chú đại bàng có giá hàng trăm triệu của anh em Việt Anh - Nhật Anh (TP Hồ CHí Minh).

Hơn nữa, hiện nay việc sở hữu một chú chim săn mồi hợp pháp cũng vô cùng gian nan, nhất là đối với những dòng chim quý hiếm như đại bàng Mông Cổ, đại bàng hoàng đế... Người chơi phải am hiểu thủ tục, điều kiện của mỗi nước trước khi nhập về nuôi. Một chú đại bàng nhập từ nước ngoài về nuôi phải qua rất nhiều khâu như giấy khai sinh, chứng nhận chuồng trại, xem có ảnh hưởng đến loài nào ở trong nước hay không, được kiểm lâm cả hai nước thẩm tra và cấp phép xem có đủ chứng nhận nuôi hay không rồi mới được nhập về.

Xong tất cả các khâu, giá của những chú đại bàng này thường lên tới 200 triệu đồng/con. Trong khi đó, ở Việt Nam vẫn còn một số nơi buôn bán tự phát, trái pháp luật, giá chỉ bằng 1/10 hoặc thấp hơn so với việc nhập khẩu có cấp phép. Tuy nhiên, hầu hết những người nuôi chim săn mồi có điều kiện đều nhập khẩu theo đúng quy định để có thể được sở hữu một chú chim mình yêu thích.

Kì công huấn luyện

Theo anh Thắng (Thái Nguyên) - thành viên của một hội nuôi chim săn mồi cho biết, để có thể chăm sóc một chú chim ví dụ như đại bàng đòi hỏi người chủ phải thật sự kì công tìm hiểu. "Với chim còn non nên cho ăn các loại thịt như bò, heo... một ngày có thể 2-3 cữ. Còn với chim lớn thì có thể ăn thịt thỏ, chim sẻ, chuột đồng nếu không có điều kiện cho ăn thịt bò. Một số người trước khi cho ăn còn nhúng thịt vào nước ấm để đề phòng bệnh", anh Thắng cho biết.

Nhiều người còn chia sẻ kinh nghiệm về việc nuôi đại bàng như loài chim này không thích ăn thức ăn khô, thích ăn thịt bò vụn và mỗi ngày thường tốn từ 1-2 lạng thịt tùy theo kích cỡ của chim.

Còn theo anh Việt Anh (TP Hồ Chí Minh) - một người sở hữu chú đại bàng ưng nhập về nước mất 200 triệu cho biết: "Thức ăn cho đại bàng thường là đồ ăn sống. Ngoài thịt ra có thể bổ sung thêm gan, tim bò. Ngoài tự nhiên chúng ăn gì thì người nuôi có thể cho ăn như vậy".

Việt Anh cho biết thêm là giai đoạn nuôi chim còn non là lúc người nuôi tốn nhiều công sức nhất bởi cần sự chăm sóc cẩn thận từng chút một. Mỗi ngày Việt Anh cho đại bàng ăn duy nhất một bữa. Do đây là loài chim khá hung dữ khi được cho ăn nên ngay cả việc ăn cũng cần phải huấn luyện, anh thường dùng còi hiệu lệnh điều khiển để huấn luyện lúc ăn.

"Mặc dù mình là người nuôi nấng từ khi còn non nhưng với bản năng là loài thú săn mồi nên giống chim này rất dữ dằn. Mình thường xuyên bị chim tấn công dẫn đến chảy máu tay, chân", Việt Anh cho biết thêm. Mỗi ngày, Việt Anh cùng anh trai mình bỏ khoảng 1-2 tiếng để chăm sóc và huấn luyện chim. Buổi sáng, đại bàng được đem ra tắm nắng rồi anh lại chuẩn bị nước cho chúng tự tắm. Ban ngày thì chim được để ngoài trời, tối lại mang vào phòng, môi trường thích hợp để nuôi giống chim này là khoảng 25 độ. Tất cả kinh nghiệm về nuôi chim Việt Anh đều phải nghiên cứu tài liệu mua từ nước ngoài.


Một buổi huấn luyện chim săn mồi.

Một buổi huấn luyện chim săn mồi.

Ngoài chim đại bàng, hiện tại những người đam mê với chim săn mồi thường nuôi dòng chim cắt lớn. Đây là một loại chim săn mồi với tốc độ cao nhất, chúng có thể săn những con mồi to gấp hai lần cơ thể. Đặc điểm của loài chim cắt là săn mồi từ trên cao, khi phát hiện con mồi, chúng có thể lao từ trên xuống bắt mồi với vận tốc gần 400km/giờ.

Với tốc độ cao và sự chính xác khi quắp mồi gần như tuyệt đối nên con mồi rơi vào tầm mắt của chim cắt thường khó thoát. Mắt chim cắt tinh gấp 5 lần so với mắt người nên khi huấn luyện, người nuôi thường phải biết căn chỉnh chính xác khoảng cách giữa con mồi và chim săn trên tay để nhắm thời điểm thả chim. Với sự mạnh mẽ và vẻ đẹp không kém đại bàng, chim cắt lớn cũng được nhiều dân chơi chim ưa chuộng. Giá của một chú chim cắt lớn cũng khá cao, trên dưới 10 triệu đồng.

Để có thể nuôi và thực hiện cho một chú chim săn mồi, người nuôi cần trang bị gần chục dụng cụ khác nhau như: Găng tay da nhiều lớp, dây buộc chân kèm bộ chống xoắn, bộ chụp móng, mũ trùm, thiết bị GPS, mồi giả, cân điện tử... Giá của mỗi món đồ dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng nhưng đắt nhất đó là thiết bị GPS.

Đây là một dụng cụ vô cùng quan trọng giúp người huấn luyện xác định được vị trí của chim ở trên không hoặc thả chim đi săn rồi phát tín hiệu cho chim quay về, giá có thể lên tới hơn 20 triệu đồng và phải nhập từ nước ngoài. Đối với người nuôi chim cắt, có lẽ đây là vật quan trọng nhất bởi chúng thường săn mồi từ trên cao và phát hiện con mồi từ rất xa, nếu không có định vị thì sẽ khó nắm bắt được vị trí của chim, gây khó khăn cho việc huấn luyện.

Để có thể huấn luyện một chú chim săn mồi thành thục, ngoài chi phí đắt đỏ, người chơi sẽ phải bỏ rất nhiều công sức. Đối với chim non, việc huấn luyện sẽ diễn ra dễ dàng hơn trong việc điều khiển hành vi của chúng so với chim bắt ngoài tự nhiên đã có những hành vi hoang dã.

Thiết bị định vị GPS cho đại bàng.
Thiết bị định vị GPS cho đại bàng.

Với chim ngoài tự nhiên, việc đầu tiên là phải bắt chúng làm quen với con người và ăn trên găng tay, sau một thời gian mới bắt đầu cho chúng tập luyện. Khi huấn luyện, không được để chim bay qua xa, không nghe theo hiệu lệnh. Giờ giấc huấn luyện của người nuôi cũng phải tuân thủ một cách vô cùng nghiêm ngặt để tạo thói quen cho chim.

Với một số người nuôi chim nhập từ nước ngoài, cần có thời gian cho chúng làm quen với môi trường, khí hậu Việt Nam. Như một số loài chim sống ở nơi hoang dã ít người, chủ nuôi còn phải giữ cho chim ở chỗ đông người để chúng làm quen.

Trong những lần tập săn, người nuôi phải coi chim săn mồi là đối tác vì khi rời tay, chim sẽ bắt đầu cuộc săn một cách độc lập với người huấn luyện. Sự chi phối giữa chủ và chim chỉ dựa vào những hiệu lệnh như tiếng coi, tiếng gọi nên người huấn luyện mới cần có kinh nghiệm mới có thể phối hợp cùng chim để đạt độ chính xác cao. Khi phát hiện con mồi, trước tiên phải hướng mắt chim săn về phía đó, đồng thời khi thả chim cần phải có vị trí, khoảng cách tốt rồi mới bung chim.

Và một điều đáng lưu ý mà những người nuôi chim săn mồi thường chia sẻ cho người mới đó là cần chú ý, tránh bị đôi chân của chim quắp vào tay trần, rất dễ bị thương nặng, có thể đứt gân tay. Nếu đã bị quắp vào thì không nên dùng sức để gỡ những chiếc móng sắc nhọn của chim ra bởi với đặc tính của chim săn mồi, chúng sẽ quắp chặt hơn. Trong trường hợp đó cần phải nhẹ nhàng và tốt nhất có sự giúp đỡ của người khác để tránh bị thương nặng hơn.

Theo nghị định 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo… các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, nếu trường hợp người nuôi chim hoang dã chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì phải đăng ký với kiểm lâm sở tại để được hướng dẫn theo quy định của pháp luật. Dù nuôi bất cứ giống chim hoang dã nào cũng phải có giấy phép, chứng nhận đủ điều kiện của cơ quan chức năng, không có sẽ bị tịch thu và xử lý.

Theo An Vũ

Cảnh sát toàn cầu